Hé lộ những điểm nhấn tại lễ bế mạc SEA Games 31
SEA Games 31 đã hoàn thành cơ bản các nội dung thi đấu và sẽ chính thức bế mạc vào tối mai 23-5 tại Hà Nội. Sau khi các cuộc tranh tài chính thức khép lại, nước chủ nhà của SEA Games 31 sẽ gửi lời chào nồng ấm, thân thương nhất tới bạn bè trong khu vực bằng lễ bế mạc được tổ chức ấm áp tại Cung Điền kinh trong nhà, Hà Nội.
Địa điểm tổ chức sẽ bố trí một sân khấu trong nhà với tổng diện tích màn hình LED được sử dụng lên tới 580m2 cùng với sân khấu chính rộng 611m2, sân khấu phụ 2 bên là 315m2 để tạo nên hiệu ứng về âm thanh và ánh sáng.
Theo Tổng đạo diễn lễ bế mạc SEA Games 31 - NSƯT Trần Ly Ly, sự khác biệt đầu tiên mà ê kip thực hiện chương trình muốn mang đến là nếu như lễ khai mạc được tổ chức ngoài trời thì lễ bế mạc sẽ được tổ chức ở trong nhà để mang đến sự ấm áp, gần gũi, gắn kết. Tổng thể chung của lễ bế mạc sẽ không phô trương, không hoành tráng, không lộng lẫy nhưng điều đọng lại lớn nhất chính là tình cảm nồng ấm và những lời chào thân thương nhất mà nước chủ nhà muốn gửi gắm tới bạn bè của 10 quốc gia trong khu vực.
“Hình tượng chữ V với rất nhiều ý nghĩa: đó là chiến thắng, là Việt Nam và cánh chim hòa bình kết nối chúng ta với bạn bè trong khu vực sẽ là điểm nhấn trong phần tạo hình. Đó cũng chính là thông điệp về sự đoàn kết, gắn bó mà các nước Đông Nam Á muốn gửi gắm tại kỳ SEA Games này. Khi tổ chức trong nhà, không gian sẽ ấm áp hơn và tất cả chúng ta sẽ cùng ngồi lại sau một chặng đường dài từ lễ khai mạc đến lễ bế mạc để nhìn lại những hình ảnh xúc động nhất của các đoàn thể thao, các tình nguyện viên hay những thành viên ban tổ chức" - NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ.
Tại lễ bế mạc, nước chủ nhà mong muốn đọng lại những ký ức tươi đẹp khi bạn bè trong khu vực ở gần bên nhau, cùng nhau tranh tài, cùng nhau cống hiến và tỏa sáng trong hơn nửa tháng vừa qua. Vì thế, êkip thực hiện chương trình sẽ mang đến những hình ảnh giản dị, ấm áp nhất để cùng nhìn lại hành trình mà các vận động viên đã đoạt được huy chương, trong đó có những giọt mồ hôi, nước mắt, có những nụ cười của chiến thắng và cả nỗi buồn khi thất bại.
Đặc biệt tại lễ bế mạc, một lần nữa những hình ảnh về một Thăng Long - Hà Nội, mảnh đất "địa linh nhân kiệt", nơi hội tụ khí thiêng sông núi, tinh hoa và sức mạnh của đất nước Việt Nam; một Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, được bạn bè quốc tế tôn vinh là Thành phố vì hòa bình, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; một Hà Nội văn hiến, văn minh và hiện đại sẽ được tái hiện. Hà Nội chính là nơi tổ chức lễ khai mạc, lễ bế mạc và tổ chức 18/40 môn thi đấu của đại hội. Vì thế, Hà Nội sẽ gửi gắm lời chào thân thương nhất tới bạn bè quốc tế. Đó cũng sẽ là tinh thần thân thiện, cởi mở của nước chủ nhà đón chào bạn bè quốc tế và là lời chào thân thương của nước chủ nhà gửi đến các đoàn vận động viên đến với lễ bế mạc. “Làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh với các bài Mời nước mời trầu, Giã bạn, Người ở đừng về, qua sự thể hiện của 100 nghệ sĩ sẽ thay lời chào tạm biệt" - đạo diễn Trần Ly Ly chia sẻ.
Một phần nghi lễ không thể thiếu của các lễ bế mạc SEA Games là lễ trao cờ đăng cai đại hội của nước chủ nhà kỳ SEA Games trước cho nước chủ nhà kế tiếp. Tại lễ bế mạc SEA Games 31, sau nghi lễ nhận cờ, nước chủ nhà của SEA Games 32 - Campuchia sẽ mang đến những tiết mục đặc sắc với những câu chuyện tiêu biểu về đất nước, con người, văn hóa của xứ sở Angkor Wat để chào đón các quốc gia tham dự SEA Games 32.
Nghệ sĩ Campuchia sẽ trình diễn một số tiết mục như múa Hoa hồng Phnôm Pênh do cựu quốc vương Norodom Sihanouk sáng tác, múa đương đại Linh vật Bồ câu trắng, hát ca khúc Cambodia Welcoming and Blessing Song (Chào đón và chúc phúc cho Campuchia).