Hé lộ những điều chưa biết về vị Phó tướng anh dũng của Tổng đốc Hoàng Diệu
Hội thảo khoa học 'Phó bảng Nguyễn Long và cuộc chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội 1882' đã tập hợp nhiều nguồn tư liệu mới, làm rõ nhiều vấn đề lịch sử gắn với Phó bảng Nguyễn Long.
Phó bảng Nguyễn Long là Phó tướng thân tín của Tổng đốc Hoàng Diệu, đã cùng nhân dân chiến đấu anh dũng để bảo vệ thành Hà Nội năm 1882. Song, sử liệu về vị quan võ này còn rất hạn chế, cần phải được nghiên cứu, bổ sung.
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo khoa học “Phó bảng Nguyễn Long và cuộc chiến đấu bảo vệ thành Hà Nội 1882” do Viện Sử học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức ngày 8/11, tại Hà Nội.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tiến sỹ Lê Quang Chắn, Phó Viện trưởng điều hành Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nêu rõ: “Sau khi hoàn thành việc chiếm đóng Nam Kỳ lục tỉnh (1867), âm mưu bành trướng xâm lược ra Bắc Kỳ trở thành một “vấn đề sinh tử” đối với chính sách thuộc địa của thực dân Pháp. Trong đó, mục tiêu quan trọng hàng đầu là đánh chiếm thành Hà Nội.
Đầu năm 1882, thực dân Pháp quyết định thực hiện kế hoạch xâm lược Bắc Kỳ lần thứ hai, đưa quân ra Bắc. Cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp đánh thành Hà Nội (diễn ra ngày 25/4/1882) dưới sự chỉ huy của Tổng đốc Hoàng Diệu và các tướng lĩnh diễn ra vô cùng quyết liệt, song trước ưu thế về lực lượng và khí tài của quân Pháp, thành Hà Nội đã thất thủ. Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết, Phó bảng Nguyễn Long bèn về mở trường dạy võ.
“Trong số các tướng lĩnh sát cánh cùng Tổng đốc Hoàng Diệu, Phó bảng Nguyễn Long có vai trò quan trọng. Ông đỗ Cử nhân võ năm 1878 và đỗ Phó bảng khoa thi võ năm Canh Thìn (1880), được giao giữ chức Thủy vệ quân cơ, tổ chức và huấn luyện hàng nghìn quân sỹ trong thành, có ý chí quyết tâm chống Pháp và chiến đấu rất anh dũng trong cuộc chiến giữ thành Hà Nội năm 1882,” Tiến sỹ Lê Quang Chắn nhận định.
Năm 2024 là tròn 115 năm năm mất của Phó bảng Nguyễn Long (1909-2024) và 142 năm diễn ra trận đánh thành Hà Nội (1882 - 2024). Hội thảo được tổ chức nhằm nghiên cứu rõ hơn về trận đánh bảo vệ thành Hà Nội năm 1882, đồng thời tìm hiểu sâu hơn về công lao, đóng góp của các tướng lĩnh, trong đó có Phó bảng Nguyễn Long.
Các nhà khoa học, các diễn giả tập trung thảo luận, làm rõ và đánh giá ý nghĩa, tác động của cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp bảo vệ thành Hà Nội (năm 1882) trong bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ 19; làm rõ hơn về thân thế, sự nghiệp và đóng góp của Phó bảng Nguyễn Long thông qua các nguồn tài/tư liệu mới; đề xuất hình thức tôn vinh gắn với công lao của Phó bảng Nguyễn Long.
Theo Tiến sỹ Trương Thị Phương, Viện Sử học, mặc dù tài liệu chưa nhiều, nhưng có thể thấy Phó bảng Nguyễn Long là người võ nghệ cao cường, có đóng góp công lao trong việc tiễu phỉ ở Nghệ An, là vị phó tướng quả cảm của Tổng đốc Hoàng Diệu.
“Tấm gương anh hùng của Phó bảng Nguyễn Long sẽ mãi được lưu truyền trong lịch sử dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp của ông mãi là niềm vinh dự và tự hào của dòng tộc,” Tiến sỹ Trương Thị Phương khẳng định.
Trong khuôn khổ của cuộc hội thảo, nhiều nguồn tư liệu mới được bổ sung, cập nhật; nhiều vấn đề lịch sử gắn với Phó bảng Nguyễn Long đã được đi sâu, làm rõ. Tuy nhiên, do thời gian lùi xa nên vẫn còn những nội dung cần phải tiếp tục nghiên cứu./.