'Hé lộ' ông chủ của doanh nghiệp đứng sau dự án siêu đô thị lấn biển Thuận Phước – Đà Nẵng trị giá gần 11.500 tỷ đồng
Tổng mức đầu tư của dự án là 11.493 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 1.800 tỷ đồng và phần còn lại là vốn vay tín dụng 9.694 tỷ đồng.
Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư Đô thị Vịnh Thuận Phước công bố báo cáo ĐTM về dự án siêu đô thị lấn biển quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng với vốn đầu tư gần 11.500 tỷ đồng.
Dự án nằm ở phía Bắc Vịnh Mân Quang, ban đầu được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng xây dựng 1/500 vào năm 2010. Sau đó, vào năm 2017, dự án được điều chỉnh quy hoạch và đổi tên thành Khu đô thị mới Thuận Phước.
Đến tháng 6/2021, Đà Nẵng chính thức ban hành chủ trương đầu tư và chấp thuận Công ty Thuận Phước làm chủ đầu tư thực hiện dự án trên tổng diện tích 97,7ha.
Tại quyết định tháng 12/2023 của UBND thành phố, dự án được điều chỉnh lần thứ 1 chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Khu đô thị mới Thuận Phước - Đà Nẵng với mục tiêu đầu tư xây dựng khu đô thị gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hạ tầng xã hội, công trình nhà ở thương mại để bán hoặc cho thuê/cho thuê mua, chuyển nhượng/cho thuê quyền sử dụng đất phù hợp theo quy định, cung cấp các dịch vụ, tiện ích hạ tầng phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt dân cư và vui chơi giải trí trong khuôn viên dự án hình thành tổ hợp kết hợp ở và du lịch dịch vụ với đầy đủ tiện ích, hưởng đến một khu đô thị hiện đại, đẳng cấp.
Dự án được triển khai trên tổng diện tích đất 97,65ha thuộc phường Nại Hiên Đông và phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Toàn bộ diện tích sử dụng đất của dự án đã được UBND thành phố Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty Thuận Phước với thời hạn 50 năm.
Cơ cấu sử dụng đất của dự án bao gồm diện tích để xây dựng nhà ở khoảng hơn 37 ha, 8,8ha cho công trình hạ tầng xã hội, gần 4ha cho công trình dịch vụ, 15,3ha dành cho cây xanh, còn lại là đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật và đất quốc phòng. Dự kiến khu đô thị này sẽ có quy mô dân số khoảng 17.200 người.
Về các hạng mục nhà ở, dự án sẽ xây dựng 212 căn biệt thự với chiều cao tối đa 5 tầng, 1.880 căn nhà liền kề cao từ 5-9 tầng, và 2 tòa chung cư cao 29 tầng nổi với 5 tầng hầm. Mật độ xây dựng từ 25% đến 67%.
Dự án sẽ được chia thành hai giai đoạn chính. Giai đoạn 1 sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lý vào quý IV/2024 và xây dựng hạng mục kè biến đổi khí hậu vào quý I/2026. Giai đoạn 2 sẽ triển khai hạ tầng kỹ thuật vào quý I/2028, tiếp theo là xây dựng các công trình hạ tầng xã hội và nhà ở vào quý III/2030.
Toàn bộ khu công viên, khu ở cao tầng, công trình thương mại, dịch vụ và khách sạn dự kiến hoàn thành vào quý IV/2030. Tổng mức đầu tư của dự án là 11.493 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là 1.800 tỷ đồng và phần còn lại là vốn vay tín dụng 9.694 tỷ đồng.
Căn cứ theo tiến độ triển khai thực hiện dự án, tiến độ lấn biển phải được hoàn thành trước khi đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Vì vậy, kế hoạch lấn biển dự kiến hoàn thành trong quý 1/2027.
Về doanh nghiệp đứng sau khu đô thị lấn biển 11.000 tỷ này, công ty Thuận Phước thành lập từ năm 2009; trụ sở tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.
Theo cập nhật vào giữa năm 2018, Công ty do Phạm Đăng Quan làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Cao Thái Hùng làm Tổng Giám đốc.
Tháng 10/2018, chức Tổng Giám đốc chuyển sang ông Trương Đình Trung. Tháng 04/2020, Công ty nâng vốn điều lệ từ 235 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng.
Giữa năm 2022, Công ty Thuận Phước sáp nhập 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV P.V.C Thuận Phước và Công ty TNHH MTV L.D Thuận Phước.
Hiện, ông Trương Đình Trung là người đại diện pháp luật của Công ty đầu tư đô thị Vịnh Thuận Phước. Ngoài ra, ông Trung còn đại diện cho các doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Xây dựng Giao thông và Vận tải Cần Thơ, Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư Phát triển Hoàng Huy, Công ty cổ phần Nam Kim Long Cần Thơ, Công ty TNHH MTV MTV Đầu tư Hạ tầng Khu Công nghiệp Kim Long Huế…