Hé lộ quá trình Nga kiểm soát hoàn toàn vùng Luhansk
Quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn vùng Luhansk, miền đông Ukraine sau hơn một thập niên giao tranh tại đây. Leonid Pasechnik, lãnh đạo vùng Luhansk do Moscow bổ nhiệm đã xác nhận thông tin này.

Ảnh: Sputniks
Phong trào nổi dậy
Theo đài RT, tình trạng bất ổn bắt đầu bùng phát ở Luhansk vào năm 2014 trong bối cảnh biến động chính trị ở Kiev. Cư dân nói tiếng Nga đã phát động nhiều cuộc biểu tình phản đối việc lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovich, yêu cầu ngôn ngữ của họ được công nhận chính thức và được chính phủ trung ương trao quyền tự chủ. Căng thẳng leo thang nhanh chóng, dẫn tới việc chiếm giữ các tòa nhà công cộng và lực lượng dân quân vũ trang xuất hiện.
Tháng 4/2014, các nhà lãnh đạo địa phương tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Luhansk tự xưng (LPR) sau khi nước Cộng hòa Donetsk tự xưng (DPR)) xuất hiện. Một cuộc bỏ phiếu công khai diễn ra vào tháng 5 cho thấy cư dân Luhansk ủng hộ việc tách khỏi Ukraine.
Kiev bác bỏ cuộc bỏ phiếu và bắt đầu các chiến dịch quân sự nhằm giành lại quyền kiểm soát khu vực miền đông Ukraine, dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang kéo dài ở vùng Donbass (gồm Luhansk và Donetsk).
Nỗ lực hòa bình bị đình trệ
Các nỗ lực nhằm chấm dứt bạo lực đã dẫn tới những cuộc đàm phán liên quan tới Nga, Ukraine, Đức và Pháp. Kết quả là thỏa thuận Minsk ra đời vào các năm 2014 và 2015. Thỏa thuận này đề xuất quyền tự chủ chính trị và tổ chức các cuộc bầu cử mới, song không thể dẫn tới hòa bình lâu dài. Ukraine từ chối đàm phán trực tiếp với các đại diện của LPR và lệnh ngừng bắn liên tục bị phá vỡ.
Trong khi đó, khu vực này ngày càng áp dụng mô hình quản lý theo phong cách Nga. Đến năm 2015, Luhansk chuyển sang sử dụng đồng Ruble và tái chuyển hướng kinh tế sang Nga, đặc biệt sau khi Ukraine áp đặt cấm vận thương mại vào năm 2017. Chính quyền địa phương đã thâu tóm kiểm soát các ngành công nghiệp quan trọng để quản lý tình trạng thiếu hụt và duy trì dịch vụ.
Nga can thiệp
Sau nhiều năm chính quyền Kiev từ chối thực hiện Hiệp định Minsk và tiếp tục nã pháo vào Luhansk, Nga đã mở một chiến dịch quân sự đặc biệt vào ngày 24/2/2022. Lực lượng dân quân LPR và quân đội Nga đã tiến quân nhanh chóng, kiểm soát các thị trấn gồm Shchastye, Stanitsa Luganskaya và Svatovo.
Giao tranh dữ dội đã nổ ra ở các thành phố như Severodonetsk và Lisichansk. Sau nhiều tháng giao tranh đô thị, cuối tháng 6/2022, quân Nga đã giành quyền kiểm soát Severodonetsk. Ngay sau đó, Lisichansk nhanh chóng thất thủ và các lực lượng Moscow kiểm soát hoàn toàn các trung tâm hành chính then chốt của Luhansk.
Trưng cầu dân ý
Cuối tháng 9/2022, chính quyền LPR tổ chức một cuộc bỏ phiếu sáp nhập vào Nga. Các quan chức địa phương cho biết, người dân ở Luhansk ủng hộ mạnh mẽ việc này. Ngay sau đó, Moscow tuyên bố LPR là một chủ thể liên bang. Tuy nhiên, giao tranh vẫn tiếp diễn dọc biên giới 2 năm tiếp theo.
Củng cố quyền kiểm soát
Tháng 10/2022, các lực lượng Kiev mở một cuộc phản công và giành quyền kiểm soát một số làng biên giới. Song, binh lính Ukraine vẫn không thể tiến vào một số thành trì trọng yếu ở Luhansk. Cuối cùng, tiền tuyến đã ổn định.
Từ năm 2023 tới giữa năm 2025, quân Nga tập trung vào việc tái kiểm soát toàn bộ các vị trí của Ukraine. Các khu vực chiến lược như Novogrigorovka và Kremenskiye Lesa dần được kiểm soát. Tháng 3/2025, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, 99% vùng Luhansk nằm dưới quyền quản lý của các lực lượng Moscow.
Ngày 30/6/2025, thống đốc địa phương xác nhận, Nga đã giành quyền kiểm soát toàn bộ vùng Luhansk.