Hé lộ tiềm lực của đại gia Lê Thành, ông chủ của Tân Mai Group vừa bị xử phạt hành chính gần 500 triệu đồng
Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Mai (Tân Mai Group) bị phạt do phát hiện có nhiều hành động trái quy định.
Cụ thể, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã ban hành uyết định xử phạt hành chính đối với 2 doanh nghiệp là Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Mai (Tân Mai Group) và Công ty Cổ phần xây lắp và sản xuất công nghiệp do vi phạm việc thực hiện phát hành thêm cổ phiếu nhưng không đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và không đăng ký giao dịch chứng khoán; công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.
Tân Mai Group phải nộp tổng số tiền phạt hành chính lên tới 475 triệu đồng. Phạt tiền 125 triệu đồng do thực hiện phát hành thêm cổ phiếu nhưng không đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Nghị quyết của đại hội đồng cổ đông số 243/QĐ-ĐHĐCĐ ngày 21/1/2013 thông qua việc sáp nhập công ty, Nghị quyết đại hội đồng cổ đông số 02/NQ.HĐQT ngày 24/1/2013 thông qua việc chấp thuận nội dung hợp đồng sáp nhập và điều lệ công ty sau sáp nhập và báo cáo số 960/TM.G–KT ngày 21/11/2013 của công ty, Công ty Cổ phần Giấy Đồng Nai được sáp nhập vào công ty kể từ ngày 8/4/2013.
Tuy nhiên, việc sáp nhập để hoán đổi cổ phiếu của công ty phải nộp hồ sơ đăng ký phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhưng công ty đã không nộp hồ sơ đăng ký phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần theo quy định.
Phạt tiền 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch chứng khoán. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, công ty trở thành công ty đại chúng trước ngày 1/1/2016 (thời điểm Thông tư số 180/2015/TT-BTC ngày 13/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết có hiệu lực).
Ngày 7/6/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn số 3771/UBCK-GSĐC yêu cầu công ty đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch UPCoM. Tuy nhiên, đến nay, công ty chưa thực hiện việc đăng ký giao dịch.
Nói đến Tân Mai, doanh nghiệp này từng là một trong những tên tuổi hàng đầu của ngành sản xuất giấy Việt Nam với quỹ đất rừng hàng nghìn héc ta. Doanh nghiệp đang sở hữu và quản lý 30.846,22 ha đất rừng ở Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai và hàng triệu m2 đất nhà máy giấy ở Kon Tum, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Bình Dương. Buổi đầu mới thành lập, doanh nghiệp có vốn điều lệ lên tới hơn 890,9 tỷ đồng.
Vài năm gần đây, việc kinh doanh của doanh nghiệp vốn không tốt đẹp khi liên tiếp thua lỗ. Năm 2018, Tân Mai Group lỗ gần 12 tỷ đồng, lỗ lũy kế gần 300 tỷ đồng vào cuối năm 2018.
Khoản lỗ lũy kế giảm đáng kể khi trong năm 2017 doanh nghiệp này ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường hơn 400 tỷ đồng từ việc miễn giảm lãi vay và chuyển nhượng dự án bất động sản.
Trong năm 2019, Tân Mai Group lỗ trước thuế hơn 15 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 12,5 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2019, Tân Mai Group nợ hơn 7.840 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ 890 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có 8 khoản vay quá hạn với tổng nợ gốc hơn 2.000 tỷ đồng, tiền lãi hơn 3.000 tỷ đồng, trong khi tiền mặt và khoản tương đương tiền chỉ hơn 43,1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bước ngoặt đến vào cuối năm 2019 khi đại gia Lê Thành mua lại hơn 55 triệu cổ phần của Tân Mai Group, trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 61,47% của Tân Mai Group vào tháng 12/2019 gây xôn xao một thời gian. Số cổ phần còn lại do Tổng Công ty Giấy Việt Nam nắm giữ 22,73%; Nhà xuất bản Giáo dục nắm giữ 8,1% và cổ đông khác nắm giữ 7,43%.
Tháng 1/2020, đại gia Lê Thành chính thức Chủ tịch HĐQT thay ông Trần Đức Thịnh. Sau khi ngồi "ghế nóng", ông Lê Thành cũng lần lượt giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật ở một loạt doanh nghiệp thành viên thuộc "hệ sinh thái" của Tân Mai Group, gồm: CTCP Tân Mai miền Trung, CTCP Tân Mai Lâm Đồng, CTCP Tân Mai Tây Nguyên và CTCP Tân Mai miền Đông.
Tất nhiên, sau khi nắm quyền thì ông Thành vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện doanh nghiệp này. Ngoài vụ việc bị Ủy ban chứng khoán Nhà nước phạt thì đầu năm 2021, doanh nghiệp này cũng bị Cục Thuế Đồng Nai "bêu tên" bởi nợ 36,87 tỷ đồng tiền thuế tính tới hết ngày 28/2/2021.
Tiềm lực của đại gia Lê Thành
Nhắc tới doanh nhân Lê Thành, ông nổi tiếng bởi nắm ghế Viện trưởng Viện Kinh tế Xanh thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Ngoài ra, vị đại gia này còn đứng tên tại một số pháp nhân như CTCP Codona Thế kỷ 21 (chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Hồ Sông Mây); Công ty TNHH Organic Life; CTCP Đầu tư Nông Trường Xanh; CTCP Đầu tư Kết nối xanh (Green Connection Invest) và CTCP Đầu tư Nhà quản lý (Manager Invest). Ông Thành hiện đang tham gia vào ban lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp lớn như Lavifood, Đầu tư Tân Thành Long An (KCN Việt Phát).
Ông Lê Thành trong một lần làm việc trên cương vị Viện trưởng Viện Kinh tế Xanh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Mai (Nguồn: daklak.gov.vn)
Green Connection Invest hình thành vào tháng 1/2017, với quy mô vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Lê Thành (góp 17,5 tỷ đồng, sở hữu 35% VĐL), ông Tô Dũng (góp 17,5 tỷ đồng, sở hữu 35% VĐL) và ông Phạm Ngô Quốc Thắng (góp 15 tỷ đồng, sở hữu 30% VĐL).
Theo Viettimes, “đại gia” Lê Thành cũng từng được biết tới là cựu Thành viên HĐQT, từng sở hữu 12,8% vốn điều lệ của CTCP Tổng Công ty Xây dựng số 1 (Mã CK: CC1).
Gần đây nhất, tại Đắk Lắk đại gia Lê Thành cũng lên tiếng đề xuất đầu tư 4 dự án trên địa bàn tỉnh này. 4 siêu dự án này đứng đằng sau bởi Công ty CP Tân Thành Holdings (Tân Thành Holdings) đề xuất với tổng vốn đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, Tân Thành Holdings được thành lập vào tháng 11/2018. Doanh nghiệp có vốn điều lệ ban đầu 600 tỷ đồng, gồm ba cổ đông sáng lập: Lê Thành (90%), Lê Văn Nhân (5%), Lê Mã Long (5%). Trong đó, ông Lê Thành (sinh năm 1974) giữ chức Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Từ khi thành lập đến nay, Tân Thành Holdings đã nhiều lần thay đổi vị trí Tổng giám đốc và người đại diện pháp luật từ ông Lê Thành sang bà Dương Thị Bích Diệp (1982), rồi bà Lê Hồng Bảo Trâm (SN 1983). Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật hiện nay là ông Phan Diễn Vĩ (SN 1971).
Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Tân Thành Holdings rơi vào khoảng 1.310,6 tỉ đồng - cao gấp 2,3 lần so với vốn chủ sở hữu ở mức 565,7 tỉ đồng.