Hé lộ tiểu bang Mỹ hưởng lợi nhiều nhất từ việc trang bị cho Ukraine

Viện trợ của Washington cho Kiev đã hỗ trợ việc làm cho người Mỹ thông qua sản xuất vũ khí, và điều này càng được củng cố hơn nữa nhờ việc tái vũ trang của các nước châu Âu khác sau khi họ đã 'vét sạch' kho dự trữ của mình để hỗ trợ Ukraine.

Mỹ vừa tiết lộ thông tin chi tiết về việc phân phối 41,7 tỷ USD giữa các tiểu bang của "xứ cờ hoa" để mua, đầu tư và thay thế mọi loại hệ thống nhằm hỗ trợ Ukraine.

Theo báo cáo chi tiêu của Lầu Năm Góc công bố hôm 6/9, Pennsylvania, Arizona và Texas nằm trong số các tiểu bang Mỹ được hưởng lợi nhiều nhất từ nguồn tài trợ và đầu tư để trang bị vũ khí cho Ukraine.

Pennsylvania, một tiểu bang "dao động" (swing state) – có thể ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 5/11, đã nhận được nhiều tài trợ nhất trong số các tiểu bang, với 2,52 tỷ USD chi tiêu và đầu tư để chế tạo vũ khí và đạn dược nhằm hỗ trợ nỗ lực chiến đấu của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Tại Arizona, chi tiêu và đầu tư liên quan đến Ukraine lên tới 2,02 tỷ USD, và tại Texas, con số này lên tới 1,85 tỷ USD.

Theo CNN, Ukraine phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung cấp quân sự từ phương Tây - không chỉ tên lửa công nghệ cao mà còn cả vũ khí hạng nhẹ như súng máy M2 Browning do Mỹ sản xuất. Ảnh: CNN

Theo CNN, Ukraine phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung cấp quân sự từ phương Tây - không chỉ tên lửa công nghệ cao mà còn cả vũ khí hạng nhẹ như súng máy M2 Browning do Mỹ sản xuất. Ảnh: CNN

Kể từ năm ngoái, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nhấn mạnh rằng nhiều vũ khí được gửi đến Kiev sẽ được thay thế thông qua các hợp đồng mới trị giá hàng tỷ USD mà các công ty trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ giành được.

Các công ty như RTX (Raytheon) có trụ sở tại Arizona, nơi sản xuất hệ thống tên lửa Patriot, và General Dynamics, một nhà sản xuất đạn pháo có nhà máy tại nhiều tiểu bang, bao gồm Pennsylvania, Ohio và Texas, đã ký được các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD.

Các công ty quốc phòng Mỹ từ nhiều tiểu bang khác nhau đã kiếm được 81 tỷ USD từ doanh số bán vũ khí ra nước ngoài vào năm ngoái, tăng 56% so với năm 2022.

Việc ký kết các hợp đồng lớn được tạo điều kiện thuận lợi và thúc đẩy bởi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine bắt đầu từ ngày 24/4/2022 và đến nay đã bước vào ngày thứ 926.

Năm ngoái, doanh số bán vũ khí của Mỹ ra nước ngoài đã tăng mạnh, đạt mức kỷ lục 238 tỷ USD. Chính phủ Mỹ đã trực tiếp đàm phán các giao dịch trị giá 81 tỷ USD.

Phần còn lại là doanh số bán trực tiếp của các công ty quốc phòng Mỹ cho các đối tác nước ngoài.

Tổng thống Biden và các quan chức khác của Mỹ đã nhấn mạnh rằng viện trợ của Washington cho Kiev đã hỗ trợ việc làm cho người Mỹ thông qua sản xuất vũ khí, điều này càng được củng cố hơn nữa nhờ việc tái vũ trang của các đồng minh châu Âu khác sau khi họ đã "vét sạch" kho dự trữ của mình để hỗ trợ Ukraine.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố kết quả thực tế về sự gia tăng sản xuất nhiều loại đạn dược khác nhau.

Minh Đức (Theo Militarnyi, Reuters, Ukrinform)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/he-lo-tieu-bang-my-huong-loi-nhieu-nhat-tu-viec-trang-bi-cho-ukraine-204240908092025949.htm