Hé lộ trao đổi bí mật giữa Nga và Mỹ để tìm cách chấm dứt xung đột Ukraine
Các cựu quan chức an ninh quốc gia Mỹ đã tổ chức các cuộc trao đổi bí mật với Nga, trong đó ít nhất một lần có sự tham gia của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, để thảo luận về khả năng đàm phán nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine.
NBC dẫn lời các quan chức cho biết những cuộc trao đổi cấp cao này diễn ra bí mật. Ông Lavrov được cho là đã gặp các cựu quan chức Mỹ một vài tiếng ở New York hồi tháng 4.
Trong số những người tham gia các cuộc trao đổi trên có cựu quan chức ngoại giao hiện là Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại Richard Haass cũng như các thành viên của tổ chức nghiên cứu này, các cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Charles Kupchan và Thomas Graham.
Các cuộc trao đổi kênh sau rất phổ biến trong thời kỳ khủng hoảng để làm giảm nguy cơ leo thang căng thẳng không mong muốn giữa hai cường quốc hạt nhân như Nga và Mỹ.
"Phân tích tình báo của tôi cho thấy không có bên nào, dù là Nga hay Mỹ nghiêm túc muốn giải quyết hòa bình tình hình ở Ukraine khi lập trường của họ không thể thỏa hiệp với nhau", cựu sĩ quan tình báo quốc phòng Rebekah Koffler nhận định với Fox News.
Theo ông: "Tổng thống Putin sẽ chấm dứt xung đột nếu Mỹ nhất trí ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine, chấp nhận Crimea và 4 vùng lãnh thổ sáp nhập vào Nga hồi cuối tháng 9 năm ngoái. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden khó có khả năng chấp nhận việc này bởi điều đó có thể được hiểu là Tổng thống Putin giành chiến thắng còn Mỹ và châu Âu đã thua".
Chương trình nghị sự của các cuộc trao đổi trên đã đề cập đến những vấn đề gai góc nhất trong cuộc xung đột ở Ukraine, chẳng hạn như tình trạng các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát ở Ukraine và nỗ lực tìm kiếm một giải pháp ngoại giao mà hai bên có thể chấp nhận.
Theo phía Mỹ, mục tiêu của các cuộc trao đổi này là duy trì các kênh ngoại giao mở với Nga và tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán trong tương lai nhằm chấm dứt xung đột.
Các cuộc thảo luận này được gọi là "ngoại giao kênh 2", một hình thức trao đổi không chính thức với sự tham gia của những người không thuộc chính phủ, hoặc trong trường hợp cuộc họp có sự tham dự của ông Lavrov là “ngoại giao kênh 1.5” tức là các quan chức đương nhiệm tham gia vào các cuộc thảo luận. Trên thực tế, các cuộc trao đổi ngoại giao cấp cao giữa chính phủ Nga và Mỹ hầu như rất ít khi diễn ra.
Hiện không rõ liệu các cuộc thảo luận kênh sau này diễn ra thường xuyên thế nào hoặc liệu đó là một phần của nỗ lực đơn lẻ hay có tổ chức.
Về phía Mỹ, các cuộc thảo luận có sự tham dự của một số cựu quan chức quốc phòng, trong đó có Mary Beth Long, cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng với kinh nghiệm dày dạn về các vấn đề NATO. Ít nhất 1 cựu quan chức Mỹ đã tới Nga để thảo luận về tình hình xung đột ở Ukraine. Ngoài ông Lavrov, các cuộc thảo luận còn có sự tham gia từ các học giả, lãnh đạo các think tank hoặc viện nghiên cứu về chính sách đối ngoại Nga.
Trong một chuyến thăm bí mật tới Kiev vào tháng 5/2023, Giám đốc CIA William Burns đã nghe từ các quan chức Ukraine về khả năng thúc đẩy Moscow bước vào các cuộc đàm phán hòa bình vào cuối năm nay. Tuần sau, Tổng thống Joe Biden sẽ gặp lãnh đạo các nước NATO tại Litva, những người vẫn chưa sẵn sàng chấp nhận Ukraine gia nhập liên minh. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới cũng làm dấy lên nhu cầu cấp bách cần sớm chấm dứt xung đột, giữa lo ngại đảng Cộng hòa có thể giảm hỗ trợ cho Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hiện đang thăm Bulgaria và Cộng hòa Séc để thảo luận về hỗ trợ quân sự và đảm bảo sự ủng hộ cho nỗ lực gia nhập NATO của Kiev sau khi cuộc xung đột với Nga kết thúc. Tổng thống Cộng hòa Séc Petr Pavel cho biết điều đó nằm trong mối quan tâm của nước này và Ukraine, theo đó các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Kiev nên được khởi động ngay sau khi xung đột kết thúc.
"Tôi tin rằng Ukraine sẽ là một phần của NATO", ông Zelensky nhận định tại thủ đô Prague, cho rằng một kết quả "lý tưởng" cho Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva là lời mời Ukraine gia nhập liên minh.