Hé lộ ứng viên kế nhiệm vị trí thủ lĩnh tối cao của Hezbollah
Việc thủ lĩnh tối cao Hezbollah là ông Hassan Nasrallah thiệt mạng trong một cuộc tấn công lớn của Israel vào phía nam Beirut (Lebanon) đang để lại khoảng trống quyền lực của phong trào này, đặt ra 'bài toán khó' về việc lựa chọn ra người kế nhiệm mới.
Quân đội Israel ngày 28/9 đã tuyên bố hạ sát thành công thủ lĩnh tối cao Hezbollah Hassan Nasrallah, 64 tuổi, cùng các chỉ huy khác của Hezbollah trong cuộc không kích quy mô lớn vào trụ sở của lực lượng này ở ngoại ô phía nam thủ đô Beirut của Lebanon đêm 27/9.
Ông Hassan Nasrallah vốn được coi là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất ở Trung Đông và là "kẻ thù không đội trời chung" của Israel. Ông đã đóng góp cho việc thành lập phong trào Hezbollah vào năm 1982 và đã nắm quyền lãnh đạo nhóm này từ năm 1992 cho đến nay.
Do vậy, việc tìm kiếm một nhân vật thay thế có sức ảnh hưởng tương tự như ông Nasrallah được coi là “bài toán khó” đối với Hezbollah, trong bối cảnh lực lượng này đang đối mặt với các cuộc tấn công liên tục từ Israel, thậm chí có thể là chiến dịch trên bộ ở miền nam Lebanon.
Al Jazeera đã nêu tên hai nhân vật hàng đầu được cho là có khả năng trở thành người kế nhiệm của ông Nasrallah, bao gồm ông Hashem Safieddine và ông Naim Qassem.
Hashem Safieddine
Ông Hashem Safieddine, sinh năm 1964, tại Deir Qanoun en-Nahr, miền nam Lebanon. Gia đình ông có nhiều người làm học giả tôn giáo và thành viên quốc hội Lebanon. Anh trai ông Safieddine là ông Abdullah - người làm đại diện của Hezbollah tại Iran.
Ông Safieddine và anh họ là ông Hassan Nasrallah cùng học tại trung tâm học thuật tôn giáo Shia ở thành phố Najaf, Iraq và Qom, Iran. Cả hai cùng tham gia Hezbollah khi phong trào này được thành lập vào năm 1982.
Ông Safieddine có mối liên hệ chặt chẽ với Iran. Trong đó, con trai ông là Redha đã kết hôn với con gái của vị tướng hàng đầu của Iran Qassem Soleimani - người đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ vào năm 2020.
Ngoài vai trò là người đứng đầu Hội đồng Điều hành của Hezbollah, ông Hashem Safieddine còn là thành viên quan trọng của Hội đồng Shura và là người đứng đầu Hội đồng Jihad. Mỹ và Arabia Saudi đã chỉ định ông Safieddine là “khủng bố” và đóng băng tài sản của ông. Ông được dự báo có tiềm năng trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo phong trào này.
Naim Qassem
Ông Naim Qassem, 71 tuổi, là phó lãnh đạo Hezbollah và thường được coi là “nhân vật số hai” của phong trào này. Ông sinh ra tại Kfar Kila thuộc tỉnh Nabatieh ở phía nam Lebanon. Đây cũng là ngôi làng đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công của Israel, đặc biệt là kể từ tháng 10/2023.
Vào những năm 1970, ông Qassem gia nhập Phong trào của những người bị tước đoạt, sau này trở thành một phần của Phong trào Amal – một nhóm của người Hồi giáo dòng Shiite ở Lebanon. Sau đó, ông rời Phong trào Amal và tiếp tục giúp thành lập nhóm Hezbollah vào đầu những năm 1980. Ông Qassem được coi là một trong những học giả tôn giáo sáng lập của nhóm này.
Ông Qassem được bầu làm phó lãnh đạo Hezbollah vào năm 1991, dưới quyền của thủ lĩnh tối cao khi đó là ông Abbas al-Musawi. Ông al-Musawi cũng bị Israel ám sát trong một cuộc tấn công bằng trực thăng vào năm 1992.
Ông Qassem đóng vai trò quan trọng trong phong trào Hezbollah và cũng là thành viên của Hội đồng Shura. Ông Qassem cũng có quan điểm cứng rắn về Israel và có quan điểm ủng hộ Gaza.
Đòn giáng nghiêm trọng hay "chí mạng"?
Theo AP, một số chuyên gia quân sự cho rằng vụ việc Israel ám sát thủ lĩnh tối cao Hassan Nasrallah đã giáng đòn nghiêm trọng đối với Hezbollah, nhưng không phải là đòn chí mạng. Hezbollah sẽ cần thêm thời gian để vượt qua cú sốc và phục hồi sau mất mát này.
Bà Lina Khatib, cộng tác viên tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Chatham House, bình luận rằng: “Việc ông Hassan Nasrallah bị ám sát là một thất bại đáng kể đối với Hezbollah, không chỉ vì vai trò quan trọng của ông trong chiến lược của Hezbollah mà còn vì việc ông bị tiêu diệt cho thấy mức độ dễ bị tổn thương của nhóm này trước Israel”.
Bà cho rằng vụ việc này làm lung lay niềm tin của các đồng minh được Iran hậu thuẫn, cũng như chính Iran và gây ra sự thay đổi lớn trong mạng lưới ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông.
Mặt khác, Hezbollah hiện là bộ phận chính trong nhóm các phe phái quân sự được Iran hậu thuẫn dưới cái tên “Trục kháng chiến”. “Hezbollah sẽ không lùi bước sau khi thủ lĩnh tối cao của họ bị hạ sát, vì họ cần phải thể hiện sự kiên định trước Israel nếu muốn duy trì uy tín là lực lượng 'kháng chiến' mạnh nhất trong khu vực,” bà Khatib cho biết.
Ông Mehran Kamrava, Giáo sư quản trị tại Đại học Georgetown, Qatar cho rằng Iran sẽ không hành động sau vụ ám sát thủ lĩnh tối cao Hezbollah, ít nhất là trong ngắn hạn. Trong đó, Tehran sẽ “kiên nhẫn chiến lược” để hướng đế kết quả lâu dài, thay vì “đối đầu trực tiếp” với Israel.
Trong khi đó, bà Amal Saad, Giảng viên chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Cardiff, Xứ Wales, cảnh báo nếu Iran có hành động can thiệp có thể khiến đồng minh của Israel là Mỹ cũng bị kéo vào cuộc chiến. “Iran là thành viên duy nhất của ‘Trục kháng chiến’ dưới danh nghĩa là một quốc gia. Do đó, Iran sẽ tổn thất nặng nề nhất nếu tham chiến,” bà Saad cảnh báo.