Vào ngày 19/5/2016, Ủy ban Di sản ký ức thế giới đã vinh danh Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là Di sản tư liệu thế giới thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, qua đó khẳng định tầm vóc quốc tế của di sản văn hóa đặc biệt này. Ảnh chụp tại điện Thái Hòa, Hoàng thành Huế.
Ngược dòng thời gian, vào thời nhà Nguyễn, các nghệ nhân đã sử dụng văn thơ để trang trí ở cả nội và ngoại thất các công trình quan trọng của Kinh thành như Ngọ Môn, điện Thái Hòa, điện Cần Chánh, Triệu Miếu, Hưng Tổ Miếu, Thế Tổ Miếu… Ảnh chụp tại Ngọ Môn.
Việc trang trí được thực hiện theo mô thức một ô thơ hoặc một đại tự đi liền với một bức họa tạo nên kiểu thức "nhất thi nhất họa" hoặc "nhất tự nhất họa", gần như đã trở thành một phong cách riêng trong trang trí kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Ảnh chụp tại điện Thái Hòa.
Thông thường, một ô thơ đi kèm với một ô họa khắc những đề tài truyền thống thuần túy Việt Nam như bát bửu, hoa lá, trái cây, rồng, hạc, đầu rồng, dây lá… Nội dung của những ô họa chỉ mang tính chất trang trí, không minh họa cho nội dung của những ô thơ đi kèm. Ảnh chụp tại Hưng Tổ Miếu.
Trên tổng thể công trình, hình thức trang trí này được thực hiện trên các liên ba, đố bản, cổ diềm... theo kiểu ô hộc lớn nhỏ xen nhau, thể hiện nhiều đề tài, nhiều biểu tượng kèm theo, được lồng ghép khéo léo vào các cấu kiện kiến trúc. Ảnh chụp tại điện Thái Hòa.
Các bài thơ văn được sử dụng trong trang trí kiến trúc thể hiện sự phong phú đa dạng về cả nội dung cho đến hình thức, thật sự là một bảo tàng sống động, độc đáo, riêng có về văn chương thời Nguyễn. Ảnh chụp tại điện Long An.
Các tác phẩm nghệ thuật này chuyển tải những thông điệp lịch sử, văn hóa và nghệ thuật đặc sắc của một giai đoạn trong lịch sử cận đại Việt Nam. Đó là một kho tàng sử liệu đồ sộ, một di sản hàm chứa nhiều giá trị quý báu. Ảnh chụp tại điện Long An.
Trải qua một thời gian dài, dù phải chịu sự tàn phá của chiến tranh, các thảm họa thiên nhiên và sự xâm phạm của con người, Cố đô Huế vẫn còn bảo lưu được một khối lượng rất lớn thơ văn trên các di tích kiến trúc của mình. Ảnh chụp tại lăng Minh Mạng.
Theo thống kê, các công trình cổ ở Huế có tổng cộng 2679 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp trên gỗ, 146 ô thơ văn viết tráng men pháp lam và 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ. Ảnh chụp tại điệnThái Hòa.
Độc đáo bậc nhất trong hệ thống thơ văn này là hai bài thơ "bát quái" của vua Thiệu Trị được chạm ở điện Long An. Tương truyền, có đến 64 cách đọc cho mỗi bài thơ này. Ảnh: Một trong hai bài thơ của vua thiệu Trị ở điện Long An.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu văn hóa, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là một phong cách riêng trong trang trí kiến trúc cung đình, chưa thấy xuất hiện ở những nơi khác trên thế giới. Ảnh chụp tại điện Long An.
Đây là một hệ thống “di sản nằm trong di sản” và thực sự là một kho tàng văn hóa vô giá của Cố đô Huế, của Việt Nam mà cho đến nay chưa phải ai cũng biết đến. Ảnh chụp tại điện Thái Hòa. Ảnh chụp tại điện Thái Hòa.(Bài có sử dụng tư liệu của Cục Di sản văn hóa và Báo Thừa Thiên Huế).
Mời quý độc giả xem video: Huế - Bóng Dáng Kinh Đô Xưa | VTV Travel.
Quốc Lê