Hệ lụy... bỏ cọc!

Vừa qua, dư luận ở Lâm Đồng xôn xao trước vụ đấu giá thuê nhà hàng Thủy Tạ (số 1 đường Yersin, TP Đà Lạt). Cuộc đấu giá diễn ra căng thẳng với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư.

Trải qua 63 bước giá, người chiến thắng là ông Đoàn Hải Hà, ngụ tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Giá khởi điểm đưa ra là 3,04 tỷ đồng/năm, nhưng ông Hà đấu giá với mức cao kỷ lục là 15,15 tỷ đồng/năm, bỏ xa các đối thủ cạnh tranh. Do thời gian thuê là 10 năm nên người trúng đấu giá sẽ đóng tiền thuê một lần cho địa phương khoảng 151,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngay sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt kết quả đấu giá thì người trúng đấu giá bất ngờ “quay xe”, tuyên bố bỏ cọc. Hành động này khiến dư luận bức xúc trong sự ngỡ ngàng. Nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng đây là trò đùa có chủ ý, là hành vi phá hoại của người đấu giá đối với hoạt động của cơ quan chức năng?

 Nhà hàng Thủy Tạ trên hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt. Ảnh: cand.com.vn

Nhà hàng Thủy Tạ trên hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt. Ảnh: cand.com.vn

Bỏ giá thật cao để trúng đấu giá rồi tuyên bố bỏ cọc không còn là chuyện hy hữu. Trước vụ việc này, tại nhiều địa phương, nhiều vụ đấu giá tưởng thành công lại hóa ra thất bại, vì người thắng cuộc bất ngờ bỏ cọc sau khi thắng đấu giá. Điển hình như vụ đấu giá 4 mảnh đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh với số tiền trúng đấu giá hơn 37.000 tỷ đồng, hay phiên đấu giá nhiều biển số đẹp được “chốt” với mức giá cao ngất ngưởng, nhưng đều bị nhà đầu tư bỏ cọc.

Theo Luật Đấu giá tài sản, nếu người trúng đấu giá từ chối giao kết, không thực hiện hợp đồng thì sẽ bị mất tiền đặt cọc, đồng thời tiến hành đấu giá lại. Câu chuyện tưởng chừng đơn giản nhưng theo các chuyên gia, hành vi bỏ cọc gây ra nhiều hệ lụy, bởi số tiền đặt cọc theo quy định hiện nay thấp hơn nhiều so với giá trị thực của tài sản được đấu giá. Nếu đấu giá không thành công thì việc tổ chức đấu giá lại tốn nhiều thời gian, công sức do thủ tục phức tạp.

Khi đấu giá lại lần 2 cũng khó thu hút được các nhà đầu tư, vì sau khi thua cuộc tại phiên đấu giá lần 1, nhiều nhà đầu tư đã từ bỏ ý định, chuyển hướng đầu tư sang mục tiêu khác. Vả lại, trong quan niệm của một bộ phận nhà đầu tư, họ không mặn mà với những mặt hàng, sản phẩm có "dớp", trục trặc. Hành vi bỏ giá thật cao rồi bỏ cọc đôi khi còn là thủ đoạn của cá nhân hoặc doanh nghiệp nhằm trục lợi bất chính. Đơn cử như một số doanh nghiệp có đất cạnh lô đất đang đấu giá sẽ thông đồng bỏ giá thật cao nhằm đẩy giá đất trong khu vực lên cao để bán kiếm lời, sau đó bỏ cọc...

Làm gì để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc? Vừa qua, tại phiên họp của Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đóng góp về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, nhiều đại biểu cho rằng, cần phải bổ sung các quy định vào luật và các văn bản quy phạm pháp luật nhằm "bịt" kẽ hở trong đấu giá tài sản thuộc sở hữu Nhà nước.

Theo đó, cần nâng mức tiền đặt trước, quy định biên độ tiền đặt trước tùy theo giá trị tài sản. Tiến hành thẩm định năng lực tài chính của người tham gia đấu giá. Bổ sung chế tài cụ thể xử lý người trúng đấu giá bỏ cọc, ví dụ phạt tiền đặt cọc gấp đôi, buộc người đấu giá bỏ cọc phải bồi thường chi phí tổ chức đấu giá, không được tham gia đấu giá trong thời hạn nhất định, thông báo rộng rãi người bỏ cọc trên các phương tiện thông tin đại chúng, xử lý dân sự, hành chính, hình sự đối với những hành vi bỏ cọc mà không có lý do chính đáng... Hy vọng những đề xuất này sớm được cụ thể hóa bằng văn bản pháp luật, góp phần lành mạnh hóa hoạt động đấu giá tài sản, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân...

VŨ ĐÌNH ĐÔNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/he-luy-bo-coc-757937