Hệ lụy có thể ngăn chặn

Những ngày qua, dư luận xôn xao trước cái chết của một em bé 5 tuổi ở huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) do một học sinh lớp 11 nghiện game online gây ra. Nghi phạm khai giấu em bé vào rừng theo 'kịch bản' trò chơi điện tử. Tuy nhiên, khi thấy gia đình, cơ quan chức năng đi tìm, nam sinh này lo sợ không đưa bé về nữa, dẫn đến em bị chết vì đói và khát.

Game online có thể gây nghiện, để lại ở trẻ những vết thương về tinh thần, tâm lý và đặc biệt là lệch lạc nhân cách. Ảnh: minh họa

Game online có thể gây nghiện, để lại ở trẻ những vết thương về tinh thần, tâm lý và đặc biệt là lệch lạc nhân cách. Ảnh: minh họa

Lời khai của nghi phạm khiến nhiều phụ huynh không khỏi giật mình trước tác hại của game online đang làm sai lệch nhận thức, hành vi và băng hoại các giá trị đạo đức, văn hóa, nhân văn của một bộ phận thanh thiếu niên.

Thực tế đã xảy ra nhiều vụ bắt cóc, hiếp dâm, án mạng, ẩu đả ở lứa tuổi vị thành niên do có liên quan đến game online khi người phạm tội bắt chước theo game, do mâu thuẫn khi chơi game hoặc trộm cướp để có tiền chơi game...

Game online là một hình thức giải trí, nếu khai thác và sử dụng phù hợp sẽ mang lại sự sảng khoái cho tinh thần, kích thích trí tưởng tượng phong phú và tư duy sáng tạo. Tuy nhiên, game online có thể gây nghiện, để lại ở trẻ những vết thương về tinh thần, tâm lý và đặc biệt là lệch lạc nhân cách.

Theo các chuyên gia tâm lý, hầu hết game online thịnh hành có tính bạo lực nhưng lại thu hút đông đảo người chơi ở lứa tuổi 13-17. Do vậy, khi trẻ nghiện game thì xu hướng bạo lực lại càng dễ nhiễm và sẵn sàng thể hiện trong cuộc sống. Lâu dần, người nghiện game có thể mất kiểm soát hành vi, cảm xúc ở cuộc sống thật.

Thật đáng báo động khi nhiều trẻ em nghiện game dẫn đến bỏ bê việc học hành, mất niềm tin vào thầy cô giáo, gia đình cũng như các giá trị mà lẽ ra trẻ được trang bị một cách đầy đủ...

Thời đại công nghệ số, các trò chơi điện tử không chỉ len lỏi ở mọi ngóc ngách của thành thị mà đang tràn lan tại nhiều vùng nông thôn, xáo trộn cuộc sống của nhiều gia đình. 10 năm qua, số người chơi game online ở Việt Nam đã tăng từ 1,5 triệu người lên trên 20 triệu người và chưa dừng lại.

Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam mới đây cảnh báo, 38% trẻ vị thành niên dùng thời gian rảnh rỗi để chơi game, số bệnh nhân mắc nghiện game và trầm cảm ở độ tuổi từ 15 - 24 chiếm tới 35%... Đáng lo ngại là trẻ nghiện game tăng do nhiều phụ huynh quá dễ dàng trong việc đáp ứng những đòi hỏi của con cái từ tiền bạc, điện thoại, máy tính bảng, máy chơi game... từ độ tuổi khá sớm nhưng hoàn toàn không biết mỗi ngày con mình đang xem, nghe, đọc hoặc chơi trò gì, tương tác với ai.

Trong khi việc quản lý game online hiện đang bị buông lỏng khi nhiều nhà phát hành không tuân thủ quy định về độ tuổi chơi game hay hạn chế thời gian chơi game. Họ đối phó bằng dòng thông báo “Game dành cho người trên 18 tuổi và để đảm bảo sức khỏe thì người chơi không được chơi quá 180 phút”, nhưng thực tế, người chơi mọi lứa tuổi đều có thể đăng ký và chơi bao lâu tùy thích mà không gặp sự ngăn cản nào.

Nhiều nơi quán game hoạt động thâu đêm, bất chấp quy định cấm hoạt động từ 22 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau. Trong khi mức xử phạt vi phạm này thấp, lại không có chế tài rút giấy phép khi tái phạm nên không đủ răn đe.

Rõ ràng ranh giới giữa chơi game giải trí và nghiện game trong giới trẻ rất mong manh, nếu không có sự kiểm soát, định hướng kịp thời của người lớn. Sự phối hợp quản lý giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng chính là “lá chắn” vững chắc cho trẻ trước tác hại khôn lường của game online.

Mặt khác, cơ quan quản lý cần có chế tài mạnh để buộc nhà phát hành, cơ sở kinh doanh tuân thủ các quy định về cung cấp và sử dụng dịch vụ game online tại Việt Nam.

Hoàng Lâm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/he-luy-co-the-ngan-chan-post430042.html