Hệ lụy của thời trang nhanh
Thuật ngữ 'thời trang nhanh' hay thời trang 'mì ăn liền' dùng để chỉ những loại hàng may mặc giá rẻ, sản xuất hàng loạt và nhanh chóng để bắt kịp các xu hướng thời trang mới nhất. Ngày càng có nhiều bạn trẻ sử dụng thời trang nhanh đã gây nên một sức ép lớn đến tình trạng ô nhiễm môi trường.
Mặc một lần rồi bán lại
Sắp bước qua mùa lạnh, Trần Thị Minh Anh, sinh viên trường Đại học (ĐH) Ngoại ngữ, ĐH Huế bắt đầu dọn dẹp lại tủ đồ, soạn ra những bộ áo quần mùa hè không còn mặc nữa để bán lại vì tủ đồ của bạn trẻ này đã không còn đủ chỗ để bỏ thêm áo quần. Trong số những món đồ cũ này, có những bộ chỉ với mặc 1 – 2 lần, thậm chí có những bộ chưa kịp mặc lần nào nhưng đã “lỗi mốt”. Minh Anh chia sẻ, dù bây giờ đồ mùa hè bán lại không còn được giá nhưng cô cũng chấp nhận.
“Thỉnh thoảng, mình hay đến các shop thời trang ký gửi để bán lại áo quần với giá chỉ còn 60 – 65% giá chủ shop đề xuất. Tuy nhiên không phải tất cả áo quần đều được nhận. Số tiền bán được mình có dự định dùng mua áo quần mùa lạnh, còn những bộ không bán được mình đành bỏ đi. Mặc dù rất tiếc nhưng mình thấy đây là giải pháp phù hợp vì mình có quá nhiều áo quần không cần dùng nữa”, Minh Anh nói.
Cũng chính vì giá những món đồ thời trang nhanh quá rẻ, bây giờ chỉ cần 100 nghìn đồng là đã có thể mua một bộ áo quần “hot trend”, nên Nguyễn Thu Hương (23 tuổi, phường Thuận Lộc) sẵn sàng chi tiền mua nhiều bộ áo quần chỉ để chụp ảnh một lần. Thu Hương chia sẻ: “Với sở thích chụp ảnh, em thường mua nhiều áo quần theo xu hướng để mặc một lần. Vì vậy, em không quan tâm đến chất liệu mà chỉ để ý đến mẫu mã đẹp, hợp thời. Với em, đồ mặc một lần đã là cũ rồi. Khi đã đăng một tấm ảnh với bộ áo quần này thì lần sau không thể chụp tiếp lần nữa”.
Mối nguy cho môi trường
Những chất liệu làm ra thời trang nhanh cần phải tốn rất nhiều thời gian để phân hủy: đồ jean cần 20 – 200 năm, vải da cần 50 năm, polyester phải mất trên 200 năm,…Việc chôn lấp, thiêu đốt áo quần cũng gây ra hiệu ứng nhà kính, tác động tiêu cực đến quá trình biến đổi khí hậu.
Theo PGS.TS. Hoàng Công Tín, Trưởng khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế, bản chất của những sản phẩm thời trang nhanh không phải và vật liệu bền vững, dễ bị lỗi mốt, giảm chất lượng sau một thời gian mặc nên không hề thân thiện với môi trường. Hơn nữa, những sản phẩm này cũng rất khó để tái chế. Thuốc nhuộm, chất tẩy sử dụng trong quá trình sản xuất thời trang nhanh tác động rất nghiêm trọng đến hệ sinh thái, ảnh hưởng đến môi trường sống của nhiều loại động vật biển.
PGS. TS. Hoàng Công Tín cũng dành lời khuyên cho thế hệ trẻ: “Tôi nghĩ các bạn trẻ không nên quá chạy theo xu hướng và hạn chế sử dụng những loại áo quần chỉ sử dụng 1 – 2 lần rồi bỏ. Thay vào đó, các bạn có thể tìm hiểu về thời trang bền vững, lựa chọn những món áo quần mặc được nhiều lần hoặc phối được với nhiều áo quần khác để thay đổi. Cốt lõi là phải có sự nhìn nhận kỹ lưỡng và thay đổi lối sống, tập sống tiết kiệm, sống xanh, sạch để bảo vệ môi trường”.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/he-luy-cua-thoi-trang-nhanh-134966.html