Hệ lụy khó lường
Theo BBC, Mỹ đã khởi động tiến trình rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sau 70 năm là thành viên của tổ chức này. Giới chuyên gia đánh giá động thái của chính quyền Washington sẽ tạo nhiều hệ lụy khó lường trong bối cảnh xứ cờ hoa tiếp tục là điểm nóng về dịch Covid-19 với hơn 3 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2.
Ngày 7-7, Thượng nghị sĩ Robert Menendez, nhân vật hàng đầu của Đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, xác nhận chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu tiến trình rút nước Mỹ khỏi WHO bằng thông báo chính thức tới Quốc hội và Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres.
Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ-ông Stephane Dujarric đã xác nhận thông báo của Mỹ, đồng thời cho biết dựa vào các điều kiện đặt ra khi Mỹ gia nhập WHO năm 1948, nước này có một năm để hoàn tất quá trình rút cũng như thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác. Điều này có nghĩa là từ ngày 6-7-2021, Mỹ sẽ chính thức không còn là thành viên của WHO.
Động thái mới nhất của chính quyền Washington không quá gây bất ngờ bởi ngay từ cuối tháng 5, Tổng thống Donald Trump đã thông báo ý định cắt đứt quan hệ với WHO khi cho rằng tổ chức y tế cộng đồng toàn cầu này chậm trễ trong việc đối phó với đại dịch Covid-19. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cáo buộc WHO có mối quan hệ quá gần gũi với Trung Quốc. Trước đó, ông D.Trump đã tuyên bố Mỹ tạm dừng đóng góp tài chính cho WHO để chờ kết luận điều tra về phản ứng của WHO đối với dịch Covid-19. Còn trong bức thư đề ngày 18-5 gửi Tổng giám đốc WHO, Tổng thống D.Trump tuyên bố tổ chức này có 30 ngày để “sửa sai”, nếu không Mỹ sẽ vĩnh viễn cắt nguồn tài trợ và xem xét lại việc tham gia tổ chức này.
Động thái của nhà lãnh đạo Mỹ đã vấp phải không ít lời chỉ trích, đặc biệt là từ các chuyên gia y tế. Chủ tịch Hiệp hội Y tế Mỹ Patrice Harris từng nhận định: "Việc cắt đứt quan hệ với WHO là không hợp lý và khiến các nỗ lực thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng này trở nên khó khăn hơn nhiều... Hành động vô nghĩa này sẽ gây ra tác động đáng kể, nguy hại ở thời điểm hiện nay cũng như sau này, đặc biệt là khi WHO đang dẫn dắt các nghiên cứu thử nghiệm và phát triển vaccine, thuốc điều trị để chống lại đại dịch này".
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Y tế Thượng viện Lamar Alexander, một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa từ bang Tennessee, cũng đã lên tiếng chỉ trích quyết định của ông chủ Nhà Trắng rút Mỹ khỏi WHO trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang gieo rắc nỗi ám ảnh khắp toàn cầu và đặc biệt là tại Mỹ. Thượng nghị sĩ Alexander cho rằng Mỹ cần xem xét lại một cách nghiêm túc những phản ứng chưa phù hợp của WHO trước đại dịch, nhưng không phải vào thời điểm này mà là sau khi cuộc khủng hoảng Covid-19 đã được kiểm soát. Ông Alexander cũng cảnh báo việc Mỹ rút khỏi WHO có thể gây cản trở quá trình tìm kiếm phương pháp điều trị Covid-19. “Việc Mỹ rút khỏi WHO có thể ảnh hưởng tới các thử nghiệm lâm sàng trong quá trình điều chế vaccine ngừa Covid-19 của Mỹ cũng như những quốc gia khác. Đồng thời, rời khỏi WHO có thể khiến việc hợp tác với các nước khác nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan trở nên khó khăn hơn”, ông Alexander nói.
Theo thống kê, Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất của WHO. Tính riêng trong năm 2019, Washington đã đóng góp cho tổ chức có trụ sở tại Thụy Sĩ này hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 15% tổng ngân sách của WHO. Do đó, động thái của Mỹ được cho là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng lực phản ứng với dịch Covid-19, cũng như các mối đe dọa y tế khác của WHO, gây trở ngại cho nỗ lực đối phó với dịch bệnh trên toàn thế giới.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/he-luy-kho-luong-626441