Hệ lụy khó lường từ chuyển đổi cây trồng ồ ạt: Cánh cửa xuất khẩu hẹp dần nếu không có mã vùng trồng

Tính từ đầu năm đến nay, chỉ tính riêng sầu riêng tươi, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đã tiếp nhận và giải quyết thủ tục cho khoảng 200 lô hàng với hơn 7.000 tấn sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Sức hút từ giá cả và thị trường đầy hứa hẹn đã khiến nhiều nông dân bỏ cây trồng cũ sang trồng sầu riêng. Thế nhưng liệu sức hút này có đem lại kết quả như mong đợi?

Trước kia đã ghi nhận nhiều câu chuyện do chuyển đổi cây trồng ồ ạt. Từ nhiều nguyên nhân khiến cho diện tích “tăng nóng” lại trở nên nguội dần. Như mới đây, một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đi Nhật Bản ở Long An đã bị dừng lại đột ngột vì không đáp ứng đủ điều kiện về mã vùng trồng.

Theo kế hoạch, 10 tấn thanh long ruột đỏ này của ông Nguyễn Vạn Thuận, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, sẽ bán cho HTX để chuyển cho nhà máy xuất đi Nhật. Nhưng vài hôm trước ngày thu hoạch, doanh nghiệp thông báo phía Nhật Bản ngưng nhập, buộc nhà vườn phải đôn đáo khắp nơi tìm thương lái.

Theo thống nhất từ năm 2017, Nhật Bản chỉ chấp thuận nhập khẩu giống thanh long ruột đỏ Long Đình 1 do Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam nghiên cứu. Viện chuyển giao quyền sở hữu cho một doanh nghiệp. Theo đó, bất kỳ doanh nghiệp nào xuất khẩu thanh long đi Nhật Bản, Hàn Quốc, phải được sự đồng ý của công ty này. Việc bảo hộ bản quyền giống cây trồng là phù hợp với thông lệ quốc tế. Thế nhưng từ câu chuyện này cho thấy, khi người dân cứ trồng mà không có căn cứ đảm bảo - ở đây là mã số vùng trồng theo điều kiện từ thị trường đối tác sẽ dẫn đến hệ quả khó lường. Rõ ràng, không phải cứ trồng là sẽ được xuất khẩu.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/he-luy-kho-luong-tu-chuyen-doi-cay-trong-o-at-canh-cua-xuat-khau-hep-dan-neu-khong-co-ma-vung-trong