Hệ lụy khó lường từ chuyển đổi cây trồng ồ ạt: Loại bỏ nguy cơ tiềm ẩn từ điệp khúc 'trồng - chặt'
Câu chuyện thanh long vừa nêu chỉ là một ví dụ cho thấy sự tác động và chi phối từ thị trường. Đáng chú ý, cuối tháng 2 vừa qua, Trung Quốc công bố nước này đạt sản lượng 1,6 triệu tấn thanh long một năm, gần đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng cả nước.
Sầu riêng của Trung Quốc sau nhiều năm thử nghiệm thất bại, hiện đã bắt đầu cho trái, dự kiến bán ra thị trường năm 2024 với nguồn cung khoảng 45.000-75.000 tấn. Có nghĩa rằng nguy cơ sụt giảm thị phần xuất khẩu sang Trung Quốc thời gian tới là có thể xảy ra.
Theo Đề án "Phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, định hướng quy hoạch diện tích sầu riêng của cả nước đến năm 2030 ở mức 75.000 ha. Tuy nhiên, hiện diện tích sầu riêng đã vượt 110.000ha và vẫn tiếp tục tăng, riêng trong năm 2022 tăng tự phát tới 27.000ha.
Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp liên tục đưa ra khuyến cáo về những hậu quả khó lường nếu tiếp tục tăng nóng như: dư thừa, dội chợ; nghiêm trọng hơn là gây thiệt hại lớn về năng suất và chất lượng nếu trồng ở vùng đất, khí hậu không phù hợp. Cơ quan chức năng nhấn mạnh, thay vì tăng diện tích, sản lượng cần tập trung tổ chức lại và liên kết sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị.
Cùng quan điểm, các chuyên gia thương mại cho rằng, cái cần kiểm soát trước tiên là vấn đề chất lượng và giá thành sản phẩm.
Đơn cử như sầu riêng, thị trường tiêu thụ lớn nhất là Trung Quốc và một trong số điều kiện để được xuất khẩu sang quốc gia này là cần được cấp mã vùng trồng,nhưng hiện mới có khoảng 20.000ha được cấp mã.
Thực tế thời gian qua, rất nhiều cây trồng khó khống chế diện tích theo quy hoạch, bởi cơ quan quản lý chỉ có vai trò định hướng, dự báo. Chỉ khi nào người dân nắm rõ thị trường, nâng cao chất lượng thay vì sản xuất ồ ạt, nay trồng mai chặt như hiện nay thì giá trị mà nông nghiệp mang lại mới thực sự lâu dài.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!
Thực hiện : Truyền hình Quốc hội Việt Nam