Hệ lụy khó lường từ việc mua bán, sử dụng giấy phép lái xe... rởm
Thời gian gần đây, trên các trang mạng internet, mạng xã hội, tình trạng mua bán giấy phép lái xe (GPLX) giả diễn biến hết sức phức tạp. Việc mua bán, sử dụng GPLX giả là hành vi vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nguy cơ khó lường về tai nạn giao thông, ảnh hưởng tới tính mạng, tài sản của chính người sử dụng và những người tham gia giao thông khác do người điều khiển phương tiện chưa được đào tạo, chưa tham gia thi sát hạch nên thiếu hiểu biết các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, chưa có kỹ năng xử lý tình huống rất dễ gây tai nạn.
Theo một cán bộ Phòng CSGT Công an TP Huế, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, với kiến thức nghiệp vụ và phương tiện soi chiếu chuyên dụng, lực lượng CSGT hiện dễ dàng phát hiện GPLX giả… Người sử dụng GPLX giả hoặc sử dụng các loại giấy tờ giả khác vẫn có thể bị phát hiện, bị xử lý qua công tác điều tra khám phá các vụ án, các đường dây làm giả con dấu, tài liệu bởi thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại của người đặt làm, đặt mua giấy tờ giả đã được lưu trong các phương tiện, thiết bị điện tử của đối tượng làm giả.

Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Chín và Nguyễn Đình Minh.
Thời gian qua, trong quá trình tuần tra làm nhiệm vụ, lực lượng CSGT của Công an nhiều tỉnh, thành, trong đó có TP Huế phát hiện nhiều trường hợp sử dụng GPLX giả khi điều khiển các phương tiện như: xe mô tô, xe ôtô kể cả xe cơ giới… Đối với những trường hợp này, lực lượng CSGT tạm giữ phương tiện, tạm giữ GPLX giả và bàn giao cho cơ quan điều tra thẩm quyền để xử lý hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù đến 7 năm…
Tại TP Huế, vào ngày 4/4 vừa qua, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an thành phố đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng gồm: Nguyễn Thị Chín (SN 1973) và Nguyễn Đình Minh (SN 1974, cùng trú tại TP Huế) về hành vi "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức". Theo điều tra ban đầu, từ năm 2023 đến 2024, dù không đăng ký kết hôn nhưng Chín và Minh thuê nhà trọ sống với nhau như vợ chồng tại tổ dân phố Triều Sơn Đông, phường Hương Vinh, quận Phú Xuân (TP Huế). Trong thời gian này, 2 đối tượng đã dùng mạng xã hội liên lạc với 1 đối tượng chưa xác định được nhân thân, lai lịch để đặt mua GPLX mô tô hạng A1 giả nhằm đối phó với lực lượng Công an khi tham gia giao thông.
Sau khi nhận GPLX giả, 2 đối tượng đã đưa ra thông tin gian dối rằng, có thể làm dịch vụ GPLX mô tô hạng A1 thật bằng cách nhờ người khác học và thi hộ tại các cơ sở sát hạch mà không cần phải nộp hồ sơ, khám sức khỏe theo quy định. Sau khi biết được thông tin mà Chín và Minh đưa ra, nhiều người có nhu cầu tưởng là thật nên đã nhờ 2 đối tượng này làm GPLX theo dịch vụ. Mỗi trường hợp nhờ làm dịch vụ GPLX, Chín và Minh sẽ lấy trước số tiền từ 1 - 1,250 triệu đồng. Với thủ đoạn trên, Chín và Minh đã đặt làm giả nhiều GPLX cho nhiều người dân sống ở địa bàn phường Hương Vinh và các địa bàn khác thuộc TP Huế. Hiện, Cơ quan CSĐT đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Trước đó, giữa tháng 2/2025, Công an TP Huế ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Huỳnh Thanh Truyền (SN 1975, trú tại phường Thuận An, quận Thuận Hóa, TP Huế) về hành vi mua, bán GPLX mô tô giả. Quá trình khám xét nhà riêng của đối tượng, cơ quan Công an phát hiện có 1 GPLX ôtô giả và 1 GPLX ôtô thật đều mang tên Huỳnh Thanh Truyền. Truyền khai nhận, đối với GPLX giả do Truyền đặt mua trên mạng do trước đó Truyền đi học lái ôtô nhưng thi không đậu. Và một thời gian sau thì Truyền thi đậu lái xe và được cấp bằng thật…
Mặc dù vẫn biết việc sử dụng GPLX giả khi tham giao thông là vi phạm pháp luật nhưng do thấy việc đặt mua GPLX hạng A1 qua mạng được thực hiện rất đơn giản, nhanh chóng, trong khi đó, nhiều người ở địa phương có nhu cầu nên Truyền đã tiếp cận. Truyền yêu cầu những người có nhu cầu mua GPLX giả chụp ảnh căn cước công dân và một số giấy tờ liên quan rồi sau đó Truyền gửi cho một đối tượng quen biết trên mạng xã hội để tiến hành làm giả các loại hồ sơ, giấy tờ liên quan với giá 800 ngàn đồng/giấy. Sau đó, Truyền bán lại cho các đối tượng có nhu cầu là 1,1 triệu đồng/giấy.
Kết quả điều tra bước đầu xác định, từ 2023 đến tháng 2/2025, Truyền đã thực hiện giao dịch 27 GPLX hạng A1 giả để bán cho các cá nhân trên địa bàn TP Huế. Người mua GPLX giả từ Truyền phần lớn là ngư dân, trong đó có trường hợp không biết chữ, có trường hợp nhiều lần thi nhưng không đỗ…
Công an khuyến cáo, để bảo vệ an toàn tính mạng của mình và người khác khi tham gia lưu thông, người dân nên đến các trung tâm đào tạo thi sát hạch để được cấp GPLX, không sử dụng GPLX giả sẽ gây hậu quả đáng tiếc. Thời gian tới, lực lượng Công an tiếp tục tuyên truyền, tổ chức tuần tra kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm việc mua bán và sử dụng GPLX giả nhằm đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa phương.