Hệ lụy khôn lường từ việc giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực
Trong cuộc sống hằng ngày không thể tránh khỏi những xung đột, va chạm, mâu thuẫn nhưng không phải ai cũng có thể giữ được sự điềm tĩnh và có cách giải quyết khéo léo, hiệu quả. Rất nhiều người đã dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, gây ra hệ lụy khôn lường cho bản thân, gia đình và xã hội.
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Hệ lụy là tình cảm láng giềng, họ hàng, gia đình sứt mẻ, người bị thương tật, thậm chí mất mạng, kẻ thì vướng vào vòng lao lý, đánh mất tương lai...
Việc dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn là trái với pháp luật nhưng nhiều người vẫn cứ ngang tàn, bất chấp. Đối tượng phạm tội cố ý xâm phạm sức khỏe, tính mạng người khác xảy ra ở nhiều lứa tuổi.
Nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xảy ra nhiều vụ việc dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, những người phạm tội đã bị cơ quan chức năng xử lý, khởi tố, xét xử, thi hành án. Chỉ tính trong giai đoạn 2020- 2023, tổng số vụ án hình sự Tòa án nhân dân (TAND) hai cấp tỉnh Quảng Trị thụ lý là 1.544 vụ/2.450 bị cáo, đã đưa ra xét xử 1.489 vụ/2.302 bị cáo. Tổng số vụ án hình sự TAND cấp huyện thụ lý là 1.352 vụ/1.955 bị cáo, kết quả giải quyết 1.351 vụ/1.952 bị cáo, trong đó có 110 vụ/146 bị cáo phạm tội xâm phạm sức khỏe, tính mạng người khác, chiếm 8,1%.
Tổng số vụ án hình sự sơ thẩm TAND tỉnh thụ lý và giải quyết 192 vụ/495 bị cáo, trong số đó có 16 vụ/21 bị cáo phạm tội xâm phạm sức khỏe, tính mạng người khác chiếm 8,3%.
Rất nhiều bị cáo phạm tội xâm phạm sức khỏe, tính mạng người khác khi đứng trước hội đồng xét xử đều tỏ ra ăn năn, hối hận với những lỗi lầm mình gây ra và phải trả giá đắt bằng những bản án nghiêm minh của pháp luật.
Những người phạm tội bị cách ly khỏi xã hội một thời gian để trả giá cho lỗi lầm mình gây ra rồi cũng có ngày trở về hòa nhập với cộng đồng nhưng vết thương lòng của những người bị hại, thân nhân của họ sẽ khó mà nguôi ngoai theo năm tháng.
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh, xuất hiện khá nhiều vụ việc liên quan đến dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Không chỉ dừng lại ở xô xát, đánh nhau gây thương tích nhẹ mà còn dẫn đến chết người, điển hình như vụ việc xảy ra tại huyện Đakrông vào tháng 4/2023.
Theo đó, do có mâu thuẫn với Lê Hữu Q. từ trước nên sáng 7/4/2023, Nguyễn Văn Q. (SN 2008) rủ thêm hai người bạn đến Trường Tiểu học và THCS Ba Lòng (xã Ba Lòng) tìm Lê Hữu Q. để đánh. Do biết được thông tin nên buổi chiều trước khi đến trường, Lê Hữu Q. cầm theo một con dao với mục đích chống trả nếu bị đánh. Khoảng 15 giờ chiều cùng ngày, nhóm của Nguyễn Văn Q. đến trường tìm Lê Hữu Q. Lúc này, Lê Hữu Q. nhìn thấy trước nên ra nhà xe lấy dao bỏ vào túi quần.
Đợi khi giáo viên về, nhóm của Nguyễn Văn Q. xông vào nhà xe, dùng mũ bảo hiểm đánh Lê Hữu Q. Quá trình hai bên xô xát, lo sợ nhóm của Nguyễn Văn Q. tiếp tục đánh mình nên Lê Hữu Q. rút dao đâm qua, đâm về ở phía trước để hù dọa và chống trả.
Lúc này, Nguyễn Văn Q. vòng ra phía sau lưng, dùng tay đánh vào vai Lê Hữu Q. nên Lê Hữu Q. quay sang, dùng dao đâm vào phần ngực trái của Nguyễn Văn Q. khiến người này tử vong sau đó không lâu.
Không chỉ có những vị thành niên vì bồng bột, suy nghĩ nông cạn mới dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn cá nhân mà ngay những người lớn tuổi, có mối quan hệ máu mủ tình thân cũng đã tước đi mạng sống của chính anh trai mình vì chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống. Câu chuyện đau lòng đó xảy ra vào tháng 9/2022 tại huyện Hải Lăng.
Vụ việc xảy ra vào khoảng 19 giờ 30 phút ngày 20/9/2022, Nguyễn V. T. (sinh năm 1970, ở xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng) đã dùng nắm đấm để giải quyết mâu thuẫn với anh trai bởi ấm ức cho rằng anh trai nói dối mình. Hậu quả, người anh trai tử vong do bị T. đánh. Sau đó không lâu, T. bị Hội đồng xét xử TAND tỉnh Quảng Trị tuyên phạt 12 năm tù. Ngoài ra, vợ của T. còn phải thay T. bồi thường chi phí mai táng và tiền tổn thất tinh thần, tổng cộng 126 triệu đồng cho phía bị hại.
Những năm gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện đoạn video dàn dựng mang thông điệp lệch lạc nhưng đánh đúng vào tâm lý giới trẻ và để lại nhiều câu cửa miệng như thể “phương châm sống” ví dụ như: “Xã hội này không có đúng sai mà chỉ có kẻ mạnh và kẻ yếu”; “Mày sai với xã hội, anh em bảo vệ mày/Mày sai với anh em, mày mất hết”...
Hay kiểu như sống với sự ảo tưởng cho rằng mình có thể sống bất chấp pháp luật, sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn bởi nghĩ rằng sẽ có “anh lớn” trong xã hội lo tất cả cho mình. Những điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến giới trẻ, “dẫn dắt” giới trẻ theo trào lưu lệch lạc và chỉ thích giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực mà đâu nhận ra rằng hệ lụy do sai lầm của chính họ gây ra là quá lớn.
Để giải quyết thực trạng trên, thiết nghĩ mỗi người dân phải luôn tuân thủ pháp luật bởi mọi chuyện đúng, sai đều có pháp luật xử lý, điều chỉnh hành vi tương xứng. Bên cạnh đó, mỗi người cần có lối sống chuẩn mực, biết cách kiềm chế cảm xúc nóng giận, ứng xử có văn hóa trong giải quyết mâu thuẫn. Đối với những đối tượng phạm tội xâm phạm sức khỏe, tính mạng người khác, các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm nhằm giáo dục, cảnh tỉnh, răn đe.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, đơn vị, sở, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, đặc biệt là Bộ luật Hình sự 2015; kịp thời phát hiện, giải quyết và hòa giải hiệu quả những mâu thuẫn phát sinh trong Nhân dân, tránh xảy ra những vụ việc, hậu quả đáng tiếc...