Hệ lụy từ 190 dự án chậm tiến độ
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có tới 190 dự án đang chậm tiến độ và vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai với các mức độ khác nhau. Trong đó, nhiều dự án bỏ đất hoang trong thời gian dài, gây lãng phí tài nguyên.
Nhiều dự án bị xem xét thu hồi
Báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho thấy: Tính đến trung tuần tháng 5/2025, toàn tỉnh có tới 190 dự án đang bị chậm tiến độ, trong đó có 5 dự án không sử dụng đất liên tục trong suốt 12 tháng. Đây là những dự án vi phạm Luật Đất đai, và 185 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng, thuộc diện phải kiểm tra, xử lý theo quy định của Nhà nước.

Dự án Trung tâm dịch vụ tổng hợp (phường Đông Hương, TP Thanh hóa), một trong những dự án trọng điểm chậm tiến độ tại Thanh hóa. Ảnh: Nguyễn Chung
Trong số 190 dự án nêu trên, có 25 dự án đã được Sở Nông nghiệp và Môi trường ban hành kết luận kiểm tra, kiến nghị biện pháp xử lý vi phạm. Còn lại 165 dự án đã và đang được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép gia hạn tiến độ sử dụng đất thêm 24 tháng, với các lý do như: Gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thay đổi quy hoạch hoặc chủ đầu tư gặp khó khăn về vốn.
Đặc biệt, trong số các dự án được gia hạn, có 12 dự án đã hết thời hạn gia hạn 24 tháng và cả thời gian gia hạn do bất khả kháng nhưng vẫn không hoàn thành, buộc tỉnh Thanh Hóa phải xem xét xử lý nghiêm. Trong đó, 8 dự án đã được UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý thực hiện quy trình thu hồi đất theo quy định, gồm: 7 dự án tại thị xã Nghi Sơn và 1 dự án tại TP Thanh Hóa. Ngoài ra, có 4 dự án khác đang được UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xem xét xử lý theo thẩm quyền. Việc thu hồi đất trong các trường hợp này nhằm tránh tình trạng chiếm dụng đất công, lãng phí tài nguyên và gây cản trở tới các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác.
Bên cạnh đó, 47 dự án đã hết thời gian gia hạn sử dụng đất 24 tháng hoặc gia hạn do bất khả kháng hiện đang được Sở Nông nghiệp và Môi trường tiến hành kiểm tra, xác minh thực tế. 106 dự án còn lại đang trong thời gian được gia hạn và sẽ được theo dõi, hậu kiểm khi hết thời hạn để đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Thực tế này đang đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ đất của địa phương, đặc biệt tại các khu vực đô thị đang phát triển nhanh như TP Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn. Đồng thời, việc có tới 190 dự án chậm tiến độ đang gây ra nhiều hệ lụy: Chất lượng thi công không bảo đảm, gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư, lãng phí tài nguyên đất.
Có thể nói, các dự án chậm tiến độ không phát huy được hiệu quả đã gây lãng phí nguồn lực cả về giá trị vốn cũng như các hệ lụy khác. Về mặt xã hội, việc có quá nhiều các dự án bị xem xét thu hồi do chậm tiến độ sẽ làm giảm niềm tin của người dân vào các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương.
Khẩn trương tháo gỡ
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị đầu mối và UBND cấp huyện, nơi có dự án, chủ động đôn đốc nhà đầu tư tập trung triển khai đúng tiến độ đã cam kết. Đồng thời, các đơn vị tại địa phương phải có trách nhiệm thường xuyên nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời giải quyết, tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án sớm hoàn thành.
Đối với các dự án còn đang trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố được yêu cầu phải tích cực theo dõi tiến độ hồ sơ, chủ động hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thẩm định và cấp phép đầu tư. Đặc biệt, đối với các dự án đang vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND các huyện phải quyết liệt vào cuộc, tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích chung, từ đó tạo sự đồng thuận trong việc bàn giao mặt bằng. Cùng với đó, cần ký cam kết tiến độ giải phóng mặt bằng với các chủ đầu tư, đảm bảo tính ràng buộc và trách nhiệm trong thực hiện.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Cao Văn Cường - Giám đốc sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết: Cùng với sự quyết liệt trong việc xử lý các dự án chậm tiến độ, tỉnh Thanh Hóa cũng đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đặc biệt là các dự án đã có trong Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“UBND tỉnh lưu ý và khuyến khích các ngành, huyện, thị xã tăng cường thu hút các nhà đầu tư hạ tầng, từ đó tạo nền tảng để kêu gọi các doanh nghiệp thứ cấp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu ngân sách địa phương” - ông Cường nói.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/he-luy-tu-190-du-an-cham-tien-do-10305992.html