Hệ lụy từ các 'dự án ma' – Bài 2

Bài 2: Tìm hiểu kỹ thông tin trước khi giao dịch

Các dự án bất động sản “ma”, dự án “ảo” nở rộ trong nhiều năm qua kéo theo tình trạng lừa đảo khách hàng và để lại nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự. Trước thực trạng trên, các ngành chức năng của tỉnh đã quyết liệt xử lý nhiều vụ việc sai phạm.

Một nhóm bị cáo hầu tòa về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua giao dịch bất động sản

Làm rõ “dự án ma”

Theo Thượng tá Bùi Phạm Hải, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (PC03) Công an tỉnh, từ năm 2020 đến nay, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về bất động sản diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua chuyển nhượng, môi giới bất động sản chiếm tỷ lệ cao trong tổng số vụ án do lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh thụ lý, giải quyết.

Thời gian qua, đơn vị nhận được nhiều tin báo, tố giác liên quan đến tội phạm trên lĩnh vực đất đai, chiếm 80% trong tổng số tin báo, tố giác do đơn vị thụ lý, giải quyết. Qua kiểm tra, xác minh, đã khởi tố nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hiện Phòng PC03 Công an tỉnh đang tiếp tục khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ các tin báo, tố giác của người dân liên quan đến loại tội phạm này. Đến nay đã khởi tố 40 vụ, với 30 bị can liên quan đến thủ đoạn phạm tội bằng cách lập các dự án “ma” để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền khoảng 250 tỷ đồng. Trong đó, Tòa án Nhân dân tỉnh đã xét xử 7 vụ, 18 bị can với mức án cao nhất là 17 năm tù, đối tượng nhận mức án thấp nhất là 8 năm tù.

Trước tình hình vi phạm liên quan đến bất động sản ngày càng gia tăng, Công an tỉnh luôn chủ động tiến hành các biện pháp phòng ngừa, xây dựng các chương trình, kế hoạch đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực đất đai nói chung và tội phạm có liên quan đến các dự án “ma” nói riêng; phối hợp với các cơ quan truyền thông và đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền để giải đáp những thắc mắc, lồng ghép phổ biến pháp luật, tuyền truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động loại tội phạm này.

TRONG 9 THÁNG NĂM 2023, CÔNG AN TỈNH ĐÃ KHỞI TỐ ĐIỀU TRA 2 VỤ, 3 BỊ CAN LIÊN QUAN ĐẾN THỦ ĐOẠN THÀNH LẬP CÁC DỰ ÁN “MA” ĐỂ LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN, THIỆT HẠI BƯỚC ĐẦU ĐƯỢC XÁC ĐỊNH LÀ 38 TỶ ĐỒNG.

Không được chủ quan

Thực tế cho thấy nhu cầu đầu tư cho đến mua đất làm của hoặc để “an cư lập nghiệp” đều là chính đáng. Tuy nhiên, để không “sập bẫy” các dự án “ma”, dự án “ảo”, người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu thật kỹ cơ sở pháp lý trước khi móc “hầu bao”.

Việc hàng trăm khách hàng trở thành nạn nhân trong các vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến bất động sản đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân. Tuy nhiên, dù được cảnh báo trên các phương tiện truyền thông và nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau nhưng vẫn còn một bộ phận người dân trở thành nạn nhân của các chiêu lừa “không mới nhưng lại hiệu quả”.

Thời gian tới, dự báo tình hình lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến lĩnh vực bất động sản, dự án “ma”, doanh nghiệp “ma” vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, tính chất, mức độ sẽ tinh vi hơn, xu hướng hoạt động sẽ kín đáo, chặt chẽ hơn. Đặc biệt là lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo, mua bán. Thủ đoạn phổ biến vẫn sẽ là thành lập các doanh nghiệp “ma”, văn phòng “ảo” để giao dịch bất động sản. Thành lập doanh nghiệp, xin dự án, sau đó phân lô và thông qua các doanh nghiệp môi giới thứ cấp để chào bán dưới dạng hợp đồng góp vốn, hợp tác kinh doanh.

Về địa bàn hoạt động là những khu vực có tốc độ đô thị hóa, phát triển cao, những địa bàn có đầu tư mới về cơ sở hạ tầng… Trước thực trạng trên, Công an tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phòng ngừa, đấu tranh; đồng thời khuyến cáo người dân khi có nhu cầu đầu tư, kinh doanh bất động sản phải tìm hiểu kỹ các thông tin, tính pháp lý, điều kiện mua bán, quy hoạch sử dụng thông qua chính quyền địa phương để tránh bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Xét xử các bị cáo “vẽ” dự án chiếm đoạt 162 tỷ đồng

Ngày 16-10, Tòa án Nhân dân tỉnh đã triệu tập gần 400 bị hại liên quan đến vụ án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thanh Hùng và 4 đồng phạm. Các bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ, các bị cáo trên đã có hành vi gian dối, “vẽ” dự án rao bán chiếm đoạt tổng số tiền hơn 162 tỷ đồng. Nguyễn Thanh Hùng và đồng phạm đã khắc phục trả lại một phần tiền chiếm đoạt cho 176 bị hại với tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng. Số tiền còn lại chưa khắc phục là hơn 144 tỷ đồng. Đây là vụ án về bất động sản có số bị hại đông nhất trong những năm gần đây.

TÂM TRANG

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/he-luy-tu-cac-du-an-ma-bai-2-a307985.html