Hệ lụy từ lạm dụng rượu, bia

Rượu, bia từ lâu đã trở thành thức uống quen thuộc trong đời sống người Việt, đặc biệt vào dịp lễ, tết hay những cuộc gặp gỡ... Thế nhưng, việc lạm dụng rượu bia thường kéo theo hàng loạt hệ lụy nghiêm trọng, không chỉ hủy hoại sức khỏe cá nhân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến hạnh phúc gia đình và trật tự xã hội.

Cách đây không lâu, 1 vụ tai nạn giao thông xảy ra khiến tài xế tử vong tại chỗ. Theo đó, khoảng 2 giờ 10 phút, ngày 30/4/2025, tại Km 85+200 quốc lộ 279, địa bàn thôn C9, xã Thanh Xương nay là phường Mường Thanh, xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa 2 xe ô tô. Vụ va chạm khiến anh Lê Văn K. (SN 1987), trú tại bản Pá Luống, xã Thanh Xương tử vong tại chỗ. 2 phương tiện bị hư hỏng nặng, thiệt hại ước tính khoảng 110 triệu đồng.

Đối tượng Phạm Duy Tuấn Đạt tại cơ quan công an. Ảnh: ANĐB

Đối tượng Phạm Duy Tuấn Đạt tại cơ quan công an. Ảnh: ANĐB

Sau khi gây tai nạn, người điều khiển xe ô tô mang BKS 27A-074.93 đã rời khỏi hiện trường. Đến 10 giờ cùng ngày, tài xế Phạm Duy Tuấn Đạt (SN 1998), trú tại tổ 4, phường Nam Thanh (cũ) đến trình diện tại Phòng Cảnh sát giao thông. Kết quả kiểm tra cho thấy, nồng độ cồn trong khí thở của Phạm Duy Tuấn Đạt là 0,230mg/lít khí thở.

Trước đó, khoảng 2 giờ ngày 11/1/2025, tại khu vực tổ 9, phường Tân Thanh, nay là phường Điện Biên Phủ xảy ra vụ tai nạn liên hoàn nghiêm trọng giữa 4 phương tiện. Xe tải mang biển kiểm soát 89H‑018.02 do tài xế Nguyễn Văn M. (SN 1995), trú tại phường Điện Biên Phủ điều khiển đâm liên tiếp vào 3 ô tô đang đỗ bên đường và trên vỉa hè. Cú va chạm mạnh khiến người ngồi ghế phụ bị mắc kẹt trong cabin, nhiều phương tiện bị hư hỏng nặng, thiệt hại ước tính khoảng 200 triệu đồng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định tài xế Nguyễn Văn M. có nồng độ cồn trong hơi thở lên tới 0,974mg/lít khí thở, mức đặc biệt nguy hiểm khi tham gia giao thông.

Hiện trường vụ tai nạn do Phạm Duy Tuấn Đạt gây ra khiến tài xế Lê Văn K. tử vong. Ảnh: ANĐB

Hiện trường vụ tai nạn do Phạm Duy Tuấn Đạt gây ra khiến tài xế Lê Văn K. tử vong. Ảnh: ANĐB

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh, 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh xảy ra 45 vụ tai nạn giao thông, trong đó 7 vụ liên quan trực tiếp đến rượu, bia làm 2 người chết và 9 người bị thương.

Thực tế cho thấy, hậu quả từ việc sử dụng rượu không chỉ dừng lại ở những tai nạn thương tâm mà khi vượt qua ngưỡng an toàn, rượu, bia còn ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, nhất là khi tiêu thụ quá mức hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Điển hình, tháng 5/2023, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận 3 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc rượu, trong đó 1 trường hợp tử vong. Theo đó, trưa ngày 1/5/2023, gia đình ông Lò Văn D., ở bản Bua, xã Mường Phăng tổ chức ăn uống. Trong số 20 người ăn, có 3 người gồm: Lò Văn D. (chủ nhà), Cà Văn Ng., Lường Văn Y. uống rượu ngâm rắn cạp nong. Đến 15 giờ chiều cùng ngày, 3 người nói trên có biểu hiện tím tái, không có phản ứng, gia đình đã đưa đến Trạm Y tế xã Mường Phăng cấp cứu. Sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 2 bệnh nhân là Lường Văn Y. và Cà Văn Ng. được cấp cứu kịp thời, qua cơn nguy kịch. Riêng với bệnh nhân Lò Văn D. đã tử vong ngoại viện.

Cơ quan công an khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn do tài xế Nguyễn Văn M. (SN 1995), trú tại phường Điện Biên Phủ gây ra ngày 11/1/2025.

Cơ quan công an khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn do tài xế Nguyễn Văn M. (SN 1995), trú tại phường Điện Biên Phủ gây ra ngày 11/1/2025.

Bác sĩ Hồ Duy Khánh, Khoa hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Đơn vị thường xuyên tiếp nhận và điều trị các ca ngộ độc rượu với biểu hiện lâm sàng từ rối loạn ý thức, co giật, hôn mê sâu đến suy hô hấp, trụy mạch. Theo bác sĩ Khánh, không chỉ rượu ngâm động vật hay rượu không rõ nguồn gốc mới gây ngộ độc mà ngay cả việc uống quá nhiều rượu thông thường trong thời gian ngắn cũng có thể khiến nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng, gây rối loạn chuyển hóa, tổn thương gan, thần kinh trung ương, thậm chí dẫn đến tử vong.

Tiềm ẩn rủi ro về sức khỏe, rượu bia còn là nguyên nhân sâu xa dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội khác như: Bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, mất an ninh trật tự. Nhiều vụ ẩu đả, xô xát, thậm chí án mạng xảy ra chỉ vì những bữa rượu quá chén. Trong khi đó, không ít gia đình rơi vào cảnh đổ vỡ, con cái bị ảnh hưởng tâm lý, học hành sa sút cũng chỉ vì bố nghiện rượu, thường xuyên đánh đập, chửi bới khi say.

Cơ quan chức năng test nhanh hàm lượng methanol trong mẫu rượu tại cơ sở kinh doanh ăn uống xã Mường Ảng.

Cơ quan chức năng test nhanh hàm lượng methanol trong mẫu rượu tại cơ sở kinh doanh ăn uống xã Mường Ảng.

Nhằm kiểm soát và hạn chế tác hại từ việc sử dụng rượu bia, thời gian qua, ngành Y tế đã phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Triển khai kiểm tra tại các điểm kinh doanh, cơ sở sản xuất rượu, nhà hàng, quán ăn. Ngành Y tế cũng khuyến cáo người dân không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 300 trở lên vượt quá 30ml/người/ngày; không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, nội tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. Đặc biệt, không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị bệnh...

“Bên cạnh các biện pháp kiểm soát từ cơ quan chức năng, yếu tố quyết định vẫn là ý thức và thói quen sử dụng rượu bia của mỗi người. Bởi không có ngưỡng rượu bia an toàn, nhưng nếu uống thì không quá 2 đơn vị cồn/ngày đối với nam và 1 đơn vị/ngày đối với nữ. Việc thay đổi nhận thức, uống có chừng mực và tuyệt đối tránh xa các loại rượu trôi nổi chính là cách đơn giản nhưng hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng...” - bác sỹ Hồ Duy Khánh nhấn mạnh.

Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/xa-hoi/he-luy-tu-lam-dung-ruou-bia