Hệ lụy từ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống

Cán bộ tư pháp xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho bà con đồng bào DTTS. Ảnh: THANH HƯƠNG

Trong rất nhiều hủ tục có một vấn nạn còn tồn tại bấy lâu nay đó chính là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Điều này không những vi phạm pháp luật mà còn để lại những hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài về mặt xã hội.

Theo điều tra của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Phú Yên, ở khu vực miền núi của tỉnh, cứ 100 cặp kết hôn thì có khoảng 30 cặp chưa đủ tuổi; 20/100 cặp kết hôn cận huyết thống với anh em chú bác, cô cậu, dì…

Nguyên nhân của tình trạng trên là do đời sống vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, người dân còn giữ nhiều phong tục tập quán lạc hậu như: kết hôn sớm để có người làm rẫy, kết hôn với người trong họ tộc để lưu giữ tài sản… Việc lấy vợ, lấy chồng của con em vùng đồng bào DTTS vẫn phụ thuộc vào sự đồng ý của cha mẹ, những người đứng đầu trong dòng họ.

Bên cạnh đó, đồng bào DTTS cũng có tâm lý muốn con cái trong gia đình yên bề gia thất sớm để có người nối dõi và có thêm lao động nhằm giảm bớt khó khăn trong cuộc sống khi cha mẹ về già. Ngoài ra, do trình độ dân trí của đồng bào còn thấp, tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng còn cao, sau khi bỏ học, các em thường tảo hôn. Việc kết hôn sớm gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, giáo dục, việc làm, dẫn đến nghèo đói, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự suy thoái giống nòi.

Vẫn “bắt chồng” dù biết có quan hệ huyết thống

Theo các chị làm công tác phụ nữ đến từng nhà để vận động, giải thích cho chị em về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chúng tôi mới phần nào hiểu thêm nhiều câu chuyện buồn liên quan đến vấn nạn này. Nay Hờ Lim (SN 1978, trú buôn Bầu, xã Ea Bá, huyện Sông Hinh) là một trong những trường hợp kết hôn cận huyết thống. Năm 18 tuổi, chị được cha mẹ “hỏi chồng” là một chàng trai nhưng chưa kịp tìm hiểu hay quý mến nhau. Điều đáng nói là dù biết chồng có quan hệ huyết thống con cô con cậu, gia đình và Hờ Lim vẫn “bắt chồng” vì cho rằng không cùng họ, sẽ không sao. Đây là một trong những suy nghĩ lạc hậu vẫn tồn tại đến ngày nay của đồng bào Ê Đê ở huyện Sông Hinh.

Ở khu vực miền núi của Phú Yên, cứ 100 cặp kết hôn thì có khoảng 30 cặp chưa đủ tuổi; 20/100 cặp kết hôn cận huyết thống với anh em chú bác, cô cậu, dì…

Không riêng các trường hợp hôn nhân cận huyết thống, sau một thời gian lắng xuống, gần đây, nạn tảo hôn lại gia tăng ở vùng miền núi, cùng với tình trạng nhiều trẻ em nghỉ học ngay khi vừa học xong THCS. Ở nhà trong độ tuổi này, chuyện lấy chồng sớm dễ xảy ra.

Cả tháng nay, chị Bùi Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) thường xuyên lui tới gia đình em Nay Hờ Triều ở thôn Thống Nhất, xã Suối Trai. Năm nay, Hờ Triều chỉ mới 16 tuổi. Mặc dù còn đang tuổi đi học nhưng Hờ Triều đã đem lòng yêu mến và muốn kết hôn với chàng trai cùng làng. Sau khi nghe được thông tin trên, chị Hương cùng cán bộ tư pháp xã đến vận động và đã thuyết phục được Hờ Triều từ bỏ ý định kết hôn. Chị Hương tâm sự: “Xã Suối Trai có hơn 90% đồng bào Ê Đê sinh sống. Cộng đồng người Ê Đê mang đậm chế độ mẫu hệ, nên các cô gái Ê Đê nếu để ý chàng trai nào thì có thể xin gia đình đi “hỏi chồng” chàng trai đó”. Hờ Triều may mắn không rơi vào nạn tảo hôn như nhiều phụ nữ khác trong buôn làng. Thế nhưng, không phải trường hợp tảo hôn nào cũng được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Bà Nguyễn Thị Nhật Tảo, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Trai, thổ lộ: “Những năm gần đây, tình trạng hôn nhân cận huyết thống ở Suối Trai không còn nhiều, trong khi đó tảo hôn vẫn còn diễn ra ở nhiều thôn, buôn. Từ năm 2018 đến nay, xã có 8 trường hợp tảo hôn. Đa số các cặp vợ chồng trẻ cưới nhau sau một thời gian ngắn chung sống rồi chia tay, dẫn đến tình trạng con không có cha hoặc không có mẹ, hay phụ nữ đơn thân đi làm thuê làm mướn để nuôi con một mình là khá nhiều. Vì các bà mẹ còn trẻ, kiến thức, khả năng chăm sóc con cái chưa nhiều nên trẻ em sinh ra thường còi cọc, suy dinh dưỡng”.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân

Trước tình hình trên, nhằm ngăn chặn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thời gian qua, lực lượng công an đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể của tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để đồng bào DTTS giảm thiểu việc tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Đặc biệt là phát huy vai trò của các già làng, trưởng buôn, người có uy tín trong thôn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp và xóa bỏ hủ tục về hôn nhân gia đình. Thông qua các buổi họp thôn, buôn, lực lượng công an xã cùng cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình và cán bộ tư pháp xã đã đến từng thôn, buôn để tuyên truyền, phân tích những hậu quả, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống để mọi người hiểu, sáng suốt lựa chọn người bạn đời mang lại hạnh phúc cho mình.

Mới đây, Hội LHPN Phú Yên thành lập và ra mắt CLB “Phụ nữ DTTS nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”, tổ chức làm điểm ở 3 xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa), Ea Bar (huyện Sông Hinh) và Đa Lộc (huyện Đồng Xuân), nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ: “Thông qua mô hình này, chúng tôi tập trung phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS; thực hiện đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025. Đồng thời nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của chị em vùng DTTS, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đây là các mô hình điểm, trên cơ sở đó, Tỉnh hội sẽ nhân rộng mô hình này ở các địa phương khác trong toàn tỉnh”.

Để ngăn chặn và xóa bỏ tình trạng tảo hôn, ngoài sự nỗ lực của ngành Dân số rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền và các đoàn thể ở địa phương. Đồng thời công tác truyền thông phải sát với tình hình thực tế, tăng cường đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền dễ hiểu, dễ thực hiện để những câu chuyện buồn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng miền núi của Phú Yên không còn xảy ra.

Theo quy định của pháp luật, tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống đều là những hành vi bị nghiêm cấm. Nếu người nào thực hiện thì có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật về hành chính hoặc nặng hơn có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Về xử lý vi phạm hành chính, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn. Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của tòa án buộc chấm dứt quan hệ đó. Phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng. Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người có cùng dòng máu về trực hệ.

Về hình sự, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10-30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm. Còn người nào giao cấu với người mà biết rõ người đó cùng dòng máu về trực hệ, là anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ 1-5 năm.

THU NHÀN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/228732/he-luy-tu-nan-tao-hon-hon-nhan-can-huyet-thong.html