Huyện Mỹ Đức: xử lý nghiêm những vi phạm về an toàn thực phẩm

Ông Đặng Văn Cảnh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mỹ Đức cho biết, từ nay đến cuối năm, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP).

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ATTP

Theo báo cáo của Phòng Y tế huyện Mỹ Đức, hiện nay, tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn huyện là 4.738 cơ sở.

Trong đó, ngành Công thương quản lý 447 cơ sở; ngành Nông nghiệp quản lý: 3.711 cơ sở; ngành Y tế quản lý 580 cơ sở. Cấp thành phố quản lý 8 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đá dùng liền; cấp huyện quản lý 90 cơ sở. Cấp xã quản lý 479 cơ sở.

Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Mỹ Đức và xã Hương Sơn kiểm tra nguồn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn xã. Ảnh: Văn Biên

Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Mỹ Đức và xã Hương Sơn kiểm tra nguồn thực phẩm tại một cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn xã. Ảnh: Văn Biên

Là xã có nhiều cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện Mỹ Đức, từ đầu năm 2024 đến nay, xã Hương Sơn đã tích cực thực hiện các giải pháp bảo đảm ATTP.

Anh Nguyễn Văn Quang - Chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chợ Đục Khê cho biết, gần 30 năm kinh doanh ăn uống tại chợ Đục Khê, anh luôn chấp hành đúng các quy định pháp luật về ATTP.

"Thực phẩm gia đình tôi nhập vào đều tươi sống, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng" - anh Nguyễn Văn Quang cho hay.

Chị Kiều Thị Tuyết - Chủ nhà hàng Hà Anh (thôn Hội Xá) cho biết, hàng ngày, cơ sở của chị bán khoảng 200 - 300 bát phở, cùng nhiều món nhậu khác nhau. Để đảm bảo ATTP, bên cạnh 100% thực phẩm được nhập từ các đơn vị có uy tín và được kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu vào thì chị Tuyết luôn quán triệt, nhắc nhở các nhân viên các quy định về bảo đảm ATTP, nhất là những quy định về bảo đảm ATTP trong bảo quản, chế biến thức ăn.

“Khu vực bếp ăn của nhà hàng được xây dựng theo quy trình vận hành một chiều, chia thành các khu riêng biệt như khu đựng nguyên liệu, khu chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn và khu để thức ăn đã nấu chín. Trong quá trình nấu ăn, từ khâu sơ chế, chế biến đến bảo quản đều được bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật về ATTP” - chị Tuyết chia sẻ

Ông Nguyễn Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã có gần 190 cơ sở kinh doanh, sản xuất, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố.

Để đưa công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn đi vào nền nếp, những năm qua, xã Hương Sơn đã tập trung quyết liệt vào các giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh, người sử dụng thực phẩm. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm…

Qua đó, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động của chính quyền địa phương về bảo đảm ATTP, trách nhiệm của người dân đối với việc bảo đảm ATTP, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo ông Nguyễn Văn Dương, hàng năm, UBND xã Hương Sơn cũng tổ chức tập huấn và khám sức khỏe cho những người làm việc tại các cơ sở kinh doanh, sản xuất, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn xã.

“Từ đầu năm 2024 đến nay, chúng tôi đã tổ chức khám sức khỏe cho 251 người làm việc tại 136/183 cơ sở kinh doanh, sản xuất, dịch vụ ăn uống trên địa bàn xã Hương Sơn” - ông Nguyễn Văn Dương nhấn mạnh.

Ông Trần Ngọc Tráng - Trưởng Phòng Y tế huyện Mỹ Đức cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác ATTP nói chung và công tác ATTP phục vụ “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2024 đã được UBND huyện, Ban Chỉ đạo ATTP của huyện quan tâm, triển khai đến các đơn vị, xã, thị trấn để tổ chức thực hiện.

Theo đó, huyện Mỹ Đức đã đẩy mạnh tuyên truyền ATTP với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của người dân, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo ATTP từ huyện đến xã, thị trấn đã đồng loạt ra quân tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện Mỹ Đức đã kiểm tra 308 cơ sở. Trong đó, cấp huyện kiểm tra 68 cơ sở; cấp xã, thị trấn kiểm tra 240 cơ sở. Tổng số cơ sở bị xử lý vi phạm là 9 cơ sở, với số tiền xử lý vi phạm là 19 triệu đồng.

“Đến nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm và quyền lợi khi thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATTP” - ông Trần Ngọc Tráng nhấn mạnh.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm

Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng cho biết, 6 tháng đầu năm, mặc dù công tác quản lý ATTP của huyện đã đạt được những kết quả tích cực nhưng hiện nay, việc kiểm tra xử lý các vi phạm về ATTP của chính quyền một số xã triển khai còn chậm. Nhận thức của người tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn hạn chế.

Ông Đặng Văn Cảnh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mỹ Đức cho biết, để bảo đảm ATTP trên địa bàn, từ nay đến cuối năm, huyện Mỹ Đức sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Theo đó, huyện Mỹ Đức yêu cầu các đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP để nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với người quản lý, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong việc thực hiện đúng các điều kiện về bảo đảm ATTP. Tiếp tục chỉ đạo Phòng Kinh tế huyện triển khai mô hình “Chợ thông minh 4.0, không dùng tiền mặt” tại các chợ, trên địa bàn huyện Mỹ Đức.

UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế cùng với Đội Quản lý thị trường số 23 tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm… nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

UBND huyện yêu cầu, các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, kiểm soát ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn, tập trung vào những mặt hàng được người dân tiêu thụ nhiều và có yếu tố nguy cơ cao. Đồng thời, xử lý nghiêm những vi phạm về chất lượng và điều kiện an toàn trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định.

Triển khai công tác đảm bảo ATTP phục vụ Tết Trung thu năm 2024. Tổ chức đánh giá chấm điểm cuối năm, kịp thời biểu dương khen thưởng đối với những tổ chức, các nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đảm bảo ATTP năm 2024.

“Chúng tôi đã đề nghị, các sở, ngành liên quan của TP Hà Nội tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ATTP. Tham mưu UBND TP bố trí cán bộ làm công tác chuyên trách trong lĩnh vực ATTP từ huyện đến xã, thị trấn và có chính sách đãi ngộ phù hợp với từng vị trí việc làm” - ông Đặng Văn Cảnh cho hay.

Văn Biên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-my-duc-xu-ly-nghiem-nhung-vi-pham-ve-an-toan-thuc-pham.html