Hệ lụy từ nội dung 'mì ăn liền' trên mạng xã hội
Những nội dung nhanh, thường chỉ kéo dài 15-60 giây trên các nền tảng mạng xã hội, đang trở thành xu hướng được giới trẻ ưa chuộng. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến nhiều bạn trẻ tiêu tốn hàng giờ mỗi ngày mà không hề hay biết.
“Xem vài clip thôi mà mất cả tiếng đồng hồ”
Đây là câu chuyện không còn xa lạ với nhiều bạn trẻ khi sử dụng các nền tảng như TikTok, Instagram Reels hay Facebook Stories. Những video ngắn gọn, dễ hiểu và mang tính giải trí cao khiến người dùng dễ dàng "lún sâu" vào nội dung mà quên đi cả thời gian.
Đoàn Thị Mây (23 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Mình thường lướt TikTok để giải trí sau giờ học vì thấy các video ngắn rất cuốn hút. Ban đầu mình nghĩ chỉ xem vài clip cho vui, nhưng đôi lúc ngẩng đầu lên đã thấy trôi qua cả tiếng đồng hồ.”
Lý giải về việc này, Mây cho rằng: "Những video ngắn không chỉ mang tính giải trí mà còn giúp mình cập nhật xu hướng, học hỏi những mẹo hữu ích, và khám phá nhiều góc nhìn sâu sắc từ người nổi tiếng hay influencer. Đây là điều mà đôi khi các bài đăng hay hình ảnh trên mạng xã hội khác không thể đem lại," cô bạn bày tỏ.
Câu chuyện của Minh Anh không phải cá biệt. Nhiều bạn trẻ khác cũng gặp tình huống tương tự, dành nhiều thời gian lướt mạng xã hội thay vì hoàn thành công việc, học tập. Thanh Hương, sinh viên năm hai Đại học Bách Khoa Hà Nội, cũng gặp tình trạng tương tự: "Mỗi lần lướt xem vài clip, mình cứ nghĩ sẽ không sao. Nhưng không ít lần, thời gian để làm bài tập bị kéo dài gấp đôi vì mải mê với những video ngắn."
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng các nền tảng như TikTok hay Instagram cũng mang lại nhiều giá trị. Hương thừa nhận rằng qua hơn 6 năm sử dụng TikTok, cô nàng đã được "khai sáng" không ít điều thú vị: từ việc cập nhật các hàng quán nổi tiếng để check-in với bạn bè, theo dõi phong cách thời trang thịnh hành đến học hỏi những mẹo hữu ích cho học tập và cuộc sống hàng ngày. Những giá trị tích cực này càng khiến người trẻ dễ dàng đắm chìm trong thế giới mạng xã hội mà khó tìm được điểm dừng hợp lý.
Mới đây, từ điển Oxford đã công bố cụm từ đại diện cho năm 2024 là "brain rot" (thối não), phản ánh mối lo ngại về việc lướt mạng xã hội quá mức tác động đến tinh thần.
Thuật ngữ này nghĩa là sự suy giảm trạng thái tinh thần hoặc trí tuệ của một người, đặc biệt là do tiêu thụ quá mức các nội dung ngắn, tầm thường và thiếu tính thử thách. So với năm trước, tần suất sử dụng thuật ngữ này tăng vọt đến 230%.
Cần đặt ra giới hạn tiêu thụ các nội dung "mì ăn liền"
Theo Th.S tâm lý/khoa học thần kinh Nguyễn Vinh Nam Anh, hiện đang là nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Viện Đại học California tại Davis, Hoa Kỳ, việc nghiện xem nội dung ngắn có liên quan mật thiết đến sự giải phóng dopamine trong cơ thể.
“Mỗi khi xem một video thú vị, não bộ tiết ra dopamine – loại hormone tạo cảm giác hưng phấn. Điều này khiến bạn muốn xem tiếp để duy trì trạng thái hào hứng, dẫn đến việc khó dứt ra khỏi màn hình,” ông giải thích. Chính sự kích thích liên tục này khiến não bộ rơi vào trạng thái “khát dopamine” và dễ dẫn đến mất kiểm soát thời gian.
Tác hại của việc lạm dụng nội dung ngắn không chỉ dừng lại ở mất thời gian mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy và hành vi của giới trẻ. Thạc sĩ Nguyễn Vinh Nam Anh nhấn mạnh: “Thói quen tiêu thụ nội dung ngắn làm giảm khả năng tập trung, khiến người trẻ khó kiên nhẫn trước những nhiệm vụ đòi hỏi sự tỉ mỉ hoặc thời gian dài.”
Việc liên tục tiếp nhận thông tin bề mặt qua các video ngắn cũng khiến khả năng đào sâu kiến thức bị suy giảm. Minh Phương, một người trẻ yêu thích đọc sách, cho biết: “Trước đây, mình có thể ngồi đọc sách cả tiếng đồng hồ. Nhưng từ khi lướt TikTok thường xuyên, mình thấy khó tập trung vào những nội dung dài hơn 3 phút.”
Ngoài ra, trào lưu này còn làm gia tăng xu hướng “thỏa mãn tức thời” – mong muốn đạt được kết quả nhanh mà không cần nỗ lực. “Người trẻ dễ bị cuốn vào lối sống chỉ tìm kiếm niềm vui ngay lập tức, trong khi thành công thực sự đòi hỏi quá trình học hỏi và rèn luyện lâu dài,” chuyên gia Nam Anh nhận định.
Không dừng lại ở việc tiêu tốn thời gian, các nội dung nhanh còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. Nhiều nội dung trên mạng xã hội chứa đựng hình ảnh không lành mạnh, nội dung, bình luận tiêu cực. Điều này gây lo lắng, tự ti, thậm chí dẫn đến trầm cảm cho người trực tiếp tiêu thụ các nội dung tiêu cực trên.
Trước những hệ quả tiêu cực của việc tiêu thụ nội dung ngắn, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng thói quen sử dụng mạng xã hội lành mạnh.
Một trong những bước đầu tiên là đặt giới hạn thời gian tiêu thụ các nội dung "mì ăn liền" trên internet. Theo ThS. Nguyễn Vinh Nam Anh, người trẻ nên xác định rõ khung giờ cụ thể để sử dụng mạng xã hội, chẳng hạn từ 1 đến 2 tiếng mỗi ngày. Điều này không chỉ giúp kiểm soát thời gian mà còn rèn luyện ý thức tự giác trong việc quản lý thói quen.
Bên cạnh đó, thay đổi cách thức tiêu thụ nội dung video cũng là một giải pháp quan trọng. Thay vì dành hàng giờ xem các video ngắn, người dùng có thể tìm đến những nội dung có chiều sâu, mang tính giáo dục, truyền cảm hứng. Th.S Nguyễn Vinh Nam Anh cho rằng việc đọc sách, nghe podcast, tham gia các khóa học phát triển kỹ năng bản thâm không chỉ giúp mở rộng kiến thức mà còn cải thiện khả năng tập trung và tư duy phản biện.
Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/he-luy-tu-noi-dung-mi-an-lien-tren-mang-xa-hoi-post1697500.tpo