Hệ lụy từ 'Tín dụng đen'
ĐBP - 'Tín dụng đen' là hình thức cho vay tín dụng với lãi suất cao từ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động cho vay tiền nhưng không đăng ký kinh doanh và không được sự cấp phép của Nhà nước. Không chỉ ở thành phố mà hiện nay hoạt động 'tín dụng đen' đã len lỏi đến các thôn, bản vùng cao. Vì vay 'tín dụng đen' mà không ít gia đình đã rơi vào cảnh mất nhà, mất tư liệu sản xuất; cuộc sống cơ cực, nghèo nàn hơn!
Quảng cáo, rao vặt về cho vay thủ tục đơn giản được dán khắp nơi, từ thành phố đến nông thôn. Ảnh: Tú Anh
Bài 1: Khoảng tối sau bản cam kết vay nợ
Nhiều người vay “tín dụng đen” thuộc hộ nghèo, thiếu hiểu biết, không đủ điều kiện để vay vốn từ các ngân hàng... Tuy nhiên phía sau bản cam kết vay tiền là những thỏa thuận ngầm trói buộc người vay vào vòng xoáy nợ nần không hồi kết.
Dễ vay
Là một trong những nạn nhân của hoạt động “tín dụng đen”, bà Nguyễn Thị L. đội 10, xã Pom Lót (huyện Ðiện Biên) chia sẻ: Do có nhu cầu vay tiền để sửa nhà, đầu tư chăn nuôi nên tôi đã liên hệ số điện thoại in trên tờ giấy A4 được dán ngay ở tường bao trước cổng nhà. Ðịa chỉ cho vay là một cơ sở cầm đồ, cho vay tài chính. Tại đây tôi được hướng dẫn làm các thủ tục vay vốn và được “giải ngân” ngay trong ngày. Ðổi lại tôi phải thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và căn nhà của gia đình. Chủ cơ sở cầm đồ giải thích: “Lãi suất chỉ cao hơn ngân hàng một chút, việc thế chấp sổ đỏ chỉ là thủ tục chứ không có nhu cầu lấy nhà đất”. Bà L. đã cùng với chủ cơ sở này ra công chứng làm các thủ tục cần thiết. Cùng ngày bà L. đã được vay 140 triệu đồng.
Khi được hỏi tại sao không vay ngân hàng để tránh việc trả lãi suất cao thì bà L. lý giải: “Do cần tiền gấp trong khi làm thủ tục vay ngân hàng lại mất nhiều thời gian, hơn nữa nếu vay ngân hàng e rằng không được vay với số tiền mình mong muốn nên quyết định vay ngoài để được cấp vốn nhanh hơn”.
Tương tự, nhận thấy thủ tục vay tiền nhanh gọn, đáp ứng được số tiền mình cần nên bà Nguyễn Thị B., đội 6, xã Pom Lót cũng đến địa chỉ bà L. vay tiền để vay 200 triệu đồng nhằm mục đích sửa nhà, sang cát cho người thân đã khuất. Ðiều đáng nói căn nhà bà B. thế chấp là ngôi nhà tình nghĩa mà gia đình được các tổ chức xã hội trao tặng, nhưng vì cần tiền gấp nên đành thế chấp.
“Ngoài tư vấn nhiệt tình, quảng cáo rầm rộ, các đối tượng cho vay còn khuyến khích nếu ai rủ thêm người vay tiền thì sẽ được trích “hoa hồng”. Từ đó, người này rỉ tai người kia khiến nhiều người biết, tìm đến địa chỉ trên để vay tiền, như: Chị Cà Thị B. ở xã Pom Lót, Trần Văn V. ở xã Noong Hẹt, Bùi Văn L. xã Noong Luống”. - bà Nguyễn Thị B. tiết lộ.
Xác định chỉ vay tiền vài hôm rồi trả ngay, năm 2019, bà Vi Thị C. (phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ) vay bà Chu Thị Th. 500 triệu đồng với hình thức không thế chấp, lãi suất thỏa thuận là 3.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, theo yêu cầu của bên cho vay là không ghi lãi suất trong giấy vay tiền. Bà Vi Thị C. phải trả cho bà Chu Thị Th. 45 triệu đồng tiền lãi/30 ngày. Bà Vi Thị C. trải lòng: “Tôi nghĩ đơn giản là mình chỉ vay tạm một vài ngày để giải quyết công việc trước mắt rồi thu xếp trả ngay, nhưng không ngờ sau đó là những tháng ngày lăn lộn trả nợ không hết, lãi mẹ đẻ lãi con khiến tôi muốn kiệt sức”.
Thực tế, hình thức cho vay không thế chấp hoặc ngụy biện việc thế chấp chỉ là “thủ tục” là chiêu trò của các đối tượng cho vay “tín dụng đen” nhằm vào sự nhẹ dạ cả tin của một số người. Nhưng đó chính là cái bẫy mà khi sa vào không dễ gì thoát ra.
Những ngày không bình yên
“Kể từ khi vay tiền của cơ sở cầm đồ, gia đình tôi chưa bao giờ có một ngày bình yên” - bà Nguyễn Thị L. (đội 10, xã Pom Lót) thốt lên như vậy khi nhắc đến câu chuyện buồn này. Bà L. vay 140 triệu đồng năm 2016 nhưng đến năm 2019 tổng số tiền bà phải trả là trên 700 triệu đồng nhưng vẫn không hết nợ. Trong giấy vay tiền tuy không quy định lãi suất, nhưng mỗi tháng bà phải trả 9.600.000 đồng tiền lãi, nếu không trả đúng hạn sẽ bị phạt 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, thậm chí cao hơn. Nhận thấy gia đình bà không đủ khả năng chi trả, các đối tượng cho vay tiếp tục gợi ý bà L. vay tiền với hình thức “bốc bát họ”, cho bà vay thêm 30 triệu đồng để trả lãi của khoản vay cũ. Số tiền này không được rút ra mà phải trừ dần mỗi tháng 800 nghìn đồng cho đến hết. Số tiền vay bổ sung đó lại tiếp tục được cộng vào tiền gốc vay ban đầu. Cứ như thế, lãi mẹ đẻ lãi con, trong khi gia đình làm nông, chăn nuôi nhỏ cả tháng chỉ thu nhập vài trăm nghìn đồng, làm bao nhiêu cũng không đủ trả nợ khiến gia đình lâm vào cảnh khánh kiệt.
Bà L. rưng rưng: “Nhà mình đang ở mà ngày nào chủ nợ cũng dẫn người đến xem nhà, ra giá bán nhà; thường xuyên cho mấy người xăm trổ đến chửi bới, thậm chí còn ăn ngủ tại gia đình cả tuần để thúc ép trả tiền. Có năm, mùng 4 tết họ đã đến gây rối đòi tiền, không mở cổng thì họ tự trèo qua cổng rồi vào ngồi án ngữ giữa nhà. Không chỉ gia đình tôi mà những hộ vay chưa trả hết nợ cơ sở này đều chung cảnh ngộ”.
Còn bà Vi Thị C. (phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ) thì ám ảnh: “Cứ ngủ qua một đêm là tôi mang nợ thêm 1.500.000 đồng”!
Không chỉ ở khu vực lòng chảo Ðiện Biên, hoạt động “tín dụng đen” đã len lỏi đến cả những khu vực vùng cao, vùng xa như huyện Ðiện Biên Ðông, Tủa Chùa, TX. Mường Lay, khiến cho nhiều gia đình khốn cùng.
Ông Lò Ngọc Ánh, người uy tín bản Trung Tâm, xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông) cho biết: Hầu như các bản ở xã Mường Luân đều có người đi vay nặng lãi, nhiều nhất là ở bản Bánh có hàng chục người đi vay, có người bị mất nhà, mất ruộng, bị thu tài sản. Phần vì nghèo, phần vì hiểu biết hạn chế nên khi gia đình gặp biến cố (ma chay, ốm đau...) thì người ta đi vay mà không biết vay rất dễ mà trả khó vô cùng. Bởi lãi vay tính theo ngày từ 0,4 - 0,7%/ngày, do vậy hầu hết những người ở Mường Luân vay nặng lãi đều mất thêm tài sản vì nai lưng làm không đủ trả lãi thì lấy đâu tiền trả gốc. Ví dụ như Khúc Văn T. ở bản Mường Luân do không đủ tiền trả nợ nên bỏ đi từ lâu chưa thấy về; Lò Văn C. bản Bánh bị mất nhà và mất ruộng, giờ phải ở túp lều ven đường; L.M. bị thu máy phay; Lò Văn P. bị thu xe máy; còn nhiều nhà khác bị thu tài sản nhưng chả ai dám kêu ca...