Hệ lụy từ 'Tín dụng đen'

ĐBP - 'Tín dụng đen' là hình thức cho vay tín dụng với lãi suất cao từ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động cho vay tiền nhưng không đăng ký kinh doanh và không được sự cấp phép của Nhà nước. Không chỉ ở thành phố mà hiện nay hoạt động 'tín dụng đen' đã len lỏi đến các thôn, bản vùng cao. Vì vay 'tín dụng đen' mà không ít gia đình đã rơi vào cảnh mất nhà, mất tư liệu sản xuất; cuộc sống cơ cực, nghèo nàn hơn!Bài 1: Khoảng tối sau bản cam kết vay nợ

Ðối tượng Phạm Tiến Bảo bị bắt cùng các loại vũ khí phục vụ cho hoạt động “tín dụng đen”. Ảnh: Trường Long

Bài 2: Quyết liệt đấu tranh, loại bỏ “tín dụng đen”

Mặc dù xuất hiện ở Ðiện Biên chưa lâu nhưng hoạt động tín dụng đen đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của một bộ phận dân cư. Trước tình hình đó, lực lượng Công an tỉnh cùng các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp quyết liệt đấu tranh, phòng chống hoạt động “tín dụng đen”.

Những vỏ bọc “tín dụng đen”

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, phần lớn các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường lợi dụng mạng viễn thông, internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ để tạo vỏ bọc đối phó với cơ quan chức năng. Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường có tiền án, tiền sự hoặc câu kết với các đối tượng có tiền án, tiền sự trên địa bàn để gây sức ép, đe dọa nạn nhân. Ngược lại, bên cạnh những người dân chấp nhận vay “tín dụng đen” do hoàn cảnh khó khăn, thiếu hiểu biết hoặc không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng thì nhiều trường hợp vay tiền “tín dụng đen” cũng là những đối tượng tệ nạn xã hội như: Cờ bạc, lô đề; đã vay nợ nhiều nơi, nhiều lần; gặp khó khăn về kinh tế và không có khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay khác. Khi không trả được tiền vay, người vay sẽ bị chủ nợ đe dọa, cưỡng đoạt tài sản nhưng cũng không dám trình báo với cơ quan công an vì bản thân liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật hoặc bị đe dọa, khống chế. Nắm được điểm yếu này, các đối tượng cho vay “tín dụng đen” thường tìm cách tiếp cận dưới nhiều hình thức, kèm theo những mời chào, tư vấn tài chính hấp dẫn khiến nhiều người sập bẫy mà không dám tố giác, im lặng chịu đựng.

Thực tế, không khó để bắt gặp những tờ rơi, số điện thoại được dán trên các cột điện, tường bao khu dân cư giới thiệu về cho vay không thế chấp với lãi suất ưu đãi, nhanh gọn. Ðặc biệt, thủ đoạn cho vay rất tinh vi: Trên giấy tờ vay không ghi lãi suất, phương thức tính lãi mà thỏa thuận ngầm tính phần trăm số tiền lãi phải trả hàng ngày (thường từ 2 - 5 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày) hoặc ghi mức lãi suất thấp hơn thực tế cho vay. Khi đến hạn mà người vay chưa trả được thì chủ cho vay viết giấy nợ mới gộp cả gốc và lãi (lãi chồng lãi) để tính kỳ hạn mới.

Trấn áp mạnh

Năm 2020, Công an tỉnh đã phát hiện, điều tra, khởi tố 4 vụ, 6 đối tượng hoạt động “tín dụng đen”. Trong 2 tháng đầu năm 2021, đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 2 vụ, 2 đối tượng hoạt động phạm tội liên quan đến “tín dụng đen”.

Cụ thể, ngày 17/12/2020, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) phối hợp với các đơn vị chức năng phá chuyên án 1220T, bắt Nguyễn Thế Trì (sinh năm 1974, có địa chỉ tạm trú tại bản Mường Luân 1, xã Mường Luân, huyện Ðiện Biên Ðông) về hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, thu giữ 260 triệu đồng và một số giấy tờ liên quan. Trì được nhiều người dân trên địa bàn các xã: Mường Luân, Luân Giói, Chiềng Sơ, Tìa Dình, Phì Nhừ... biết đến trong việc cho vay lãi suất cao.

Ngày 3/2/2021, Phòng Cảnh sát Hình sự phối hợp với Công an thị xã Mường Lay phá chuyên án 0121B, bắt đối tượng Phạm Tiến Bảo (sinh năm 1982, trú tại tổ 4, phường Na Lay, TX. Mường Lay) về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, thu giữ 82 triệu đồng cùng 106 dao, kiếm các loại.

Thượng tá Lù Minh Phương, Trưởng phòng Tham mưu (Công an tỉnh) cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, Công an tỉnh đã đẩy mạnh phát động phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; quán triệt và ký cam kết tới từng cán bộ, đảng viên trong thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, không bao che, bảo kê hoặc tham gia hùn vốn, tiếp tay cho hoạt động “tín dụng đen” hoặc để các đối tượng lợi dụng để phạm tội, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự (ANTT), nhất là trên không gian mạng, triệt xóa các mã độc, website, các trang mạng xã hội mà đối tượng người nước ngoài cấu kết với các đối tượng trong nước hoạt động kinh doanh tài chính trái pháp luật. Tổ chức tháo dỡ biển hiệu, quảng cáo cho vay tín dụng không đúng quy định. Tăng cường phối hợp các ngành chức năng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đối với các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính để kịp thời phát hiện xử lý những vi phạm .

Với chức năng nòng cốt, thường trực trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và hành vi vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”, Công an tỉnh đã ban hành kế hoạch chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp trấn áp loại hình tội phạm này. Ðồng thời chủ động phối hợp, trao đổi thông tin với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, công an các tỉnh, thành phố trong đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, nhất là số đối tượng hoạt động lưu động; đặc biệt tập trung vào số đối tượng hình sự từ các tỉnh khác đến Ðiện Biên hoạt động đòi nợ, siết nợ, cho vay lãi nặng. Làm tốt công tác nắm tình hình, lập hồ sơ quản lý, xử lý các đối tượng phạm tội và vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến “tín dụng đen”. Ðẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tín dụng đen xảy ra trên địa bàn.

Bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và cơ quan, đoàn thể cần vào cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân không vướng “tín dụng đen” vì kém hiểu biết hay vì khó khăn. Có như vậy mới ngăn chặn hiệu quả hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn.

Box: Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 10 vụ liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Cơ quan chức năng đã khởi tố 8 vụ, bắt 13 đối tượng về hành vi cho vay nặng lãi. Trong đó 1 vụ có 54 nạn nhân của tín dụng đen.

Tú Anh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/phap-luat/185233/he-luy-tu-%E2%80%9Ctin-dung-den%E2%80%9D-