Hễ mưa là phố thành sông

'Hễ mưa lớn là ngập' - điệp khúc này lặp đi lặp lại lâu nay ở các đô thị miền Trung.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Mỗi khi có áp thấp nhiệt đới hoặc bão xuất hiện trên Biển Đông, cụm từ không thể thiếu trong các thông báo của Ban Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các địa phương, đó là “chủ động ứng phó...”.

Cơn áp thấp nhiệt đới vừa xuất hiện vào đầu mùa mưa bão ở miền Trung không những không thấy các địa phương “chủ động ứng phó”, mà chỉ thấy phố phường ở nhiều đô thị chìm trong biển nước. Dân tình kêu la không ngớt, nhất là sáng thứ Hai đầu tuần, mọi sinh hoạt bắt đầu vào một guồng quay mới, ai ai cũng phải ra đường để đến công sở làm việc.

Khó để có thể “chủ động ứng phó” được gì một khi người dân sống ở các đô thị hiện nay không còn chọn lựa nào khác ngoài việc phải lao ra đường trong lúc mưa lớn với hy vọng là sẽ đến nơi làm việc đúng giờ. Nhưng để khỏi bị kẹt xe, người ta có thể sắp xếp công việc để ra đường sớm hơn, tránh giờ cao điểm chứ làm sao có thể tránh được nước ngập tứ bề?

“Hễ mưa lớn là ngập” - điệp khúc này lặp đi lặp lại lâu nay ở các đô thị miền Trung. Tuy nhiên, ngoài lý do “mưa lớn” từ ông trời, còn có những lý do khác do chính con người tạo ra.

Về phía chính quyền, các nhà quản lý ở khắp các địa phương gần như chỉ chú trọng đến việc mở rộng không gian đô thị, hình thành càng nhiều tuyến phố mới thì càng được xem là “năng động, tích cực” chứ việc cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước vốn đã quá cũ kỹ thì lại không, hoặc có làm thì cũng không đến nơi đến chốn.

Đặc điểm chung của các đô thị hiện nay phần lớn là “kế thừa” từ những đô thị cũ, hạ tầng đã tồn tại 50 - 70 năm nay nên không thể đáp ứng được với yêu cầu thực tế. Đã vậy, có không ít địa phương, hễ thấy chỗ đất nào còn khoảng không gian “vừa mắt” là cho các doanh nghiệp san lấp mặt bằng để phân lô bán nền.

Nhiều ao, bàu, đầm, hồ, vốn là nơi chứa nước lũ tồn tại bao đời nay, cha ông ta cố ý giữ lại thì nay con cháu san lấp hết để hình thành phố xá. Vì vậy, thay vì nước chảy về các ao hồ để “tạm trú” rồi chảy ra sông, nay mỗi đường phố thành một dòng sông mỗi khi có mưa lớn.

Về phía người dân, do ý thức kém trong việc ứng xử với nước, với rác cũng đã góp phần không nhỏ vào việc “hễ mưa là ngập”. Các miệng cống dọc đường lâu nay trở thành hố rác của nhiều gia đình. Tất tần tật, mọi thứ rác trong nhà, thay vì bỏ vào thùng rác thì chủ nhà vứt vào ống cống vì có thể thùng rác đặt hơi xa cổng ngõ một tí!

Đã thế, để ngăn mùi hôi thối bốc lên từ ống cống, nhiều gia đình đã “choàng” ni lông lên nắp cống nên vô tình làm bít lỗ thoát nước. Nhiều vị tổ trưởng dân phố, hễ thấy mưa lớn là kêu gọi hoặc trực tiếp đi gỡ các loại túi ni lông trên nắp cống để nước thoát cho nhanh.

Có lẽ đây là hành động “ứng phó” chủ động nhất nhưng nó lại không quyết định được việc chống ngập căn bản cho các đô thị.

Khắp các đô thị ở miền Trung hiện nay đều ngập sâu trong nước sau mỗi trận mưa lớn. Nhưng đây chưa phải là “đỉnh mưa” của vùng đất khắc nghiệt này. Nếu không sớm cải thiện hệ thống thoát nước một cách căn cơ thì không thể “chủ động ứng phó” gì được với mưa lũ ngoài việc kêu gọi tàu thuyền vào các vùng neo đậu an toàn.

Trần Đăng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/he-mua-la-pho-thanh-song-post655534.html