Hệ sinh thái 25 tỷ USD của gia đình tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Là tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam, vốn hóa doanh nghiệp niêm yết trong hệ sinh thái Vingroup hiện đạt xấp xỉ 25 tỷ USD, cùng hàng chục nghìn tỷ tại các công ty chưa niêm yết.
Là người giàu nhất Việt Nam với tài sản ròng hơn 4,1 tỷ USD theo Forbes, song thực tế, ông Vượng và gia đình quản lý khối tài sản còn lớn hơn rất nhiều con số này, thông qua vốn hóa các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Vingroup đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, cũng như các khoản đầu tư tại nhóm doanh nghiệp chưa niêm yết.
"Đế chế" 25 tỷ USD
Ông Phạm Nhật Vượng hiện là Chủ tịch HĐQT Vingroup, tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam với quy mô tài sản gần 791.500 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9/2024.
Tại Vingroup, bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) cũng đang là Phó chủ tịch HĐQT, trong khi 2 người con trai Phạm Nhật Quân Anh và Phạm Nhật Minh Hoàng không giữ vai trò quản lý tại tập đoàn.
Cá nhân ông Vượng hiện nắm trực tiếp gần 691,3 triệu cổ phiếu VIC, tương đương 18,08% vốn Vingroup, trong khi bà Hương nắm trực tiếp hơn 170,6 triệu cổ phiếu (4,46%).
Ngoài ra, ông Vượng và gia đình còn nắm phần lớn vốn Vingroup thông qua các công ty liên quan như CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (32,96%); CTCP Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI (6,37%)...
Với hơn 3,82 tỷ cổ phiếu đang niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, vốn hóa Vingroup vào khoảng gần 154.000 tỷ đồng.
Hệ sinh thái Vingroup hiện trải dài trên nhiều lĩnh vực như bất động sản, công nghiệp - công nghệ, dịch vụ, y tế, giáo dục...
Trong đó, công ty con Vinhomes là nhà phát triển bất động sản lớn nhất Việt Nam với vốn hóa hơn 165.500 tỷ đồng.
Dù không còn là cổ đông chi phối tại Vincom Retail, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn nắm giữ lượng lớn vốn và lợi ích tại công ty cho thuê mặt bằng bán lẻ trung tâm thương mại lớn nhất cả nước này. Hiện, vốn hóa Vincom Retail cũng đạt gần 37.000 tỷ đồng.
Tương tự, Vingroup cũng đang là công ty mẹ nắm 83,32% vốn tại CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam, doanh nghiệp có vốn hóa hơn 27.000 tỷ đồng.
Công ty sản xuất xe điện VinFast của ông Vượng - đang niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ) - hiện được thị trường định giá gần 10 tỷ USD.
Như vậy, chỉ tính riêng vốn hóa nhóm doanh nghiệp trong hệ sinh thái Vingroup niêm yết trên thị trường chứng khoán, quy mô tập đoàn kinh tế của gia đình ông Vượng đã đạt xấp xỉ 25 tỷ USD quy đổi.
Ngoài nhóm công ty đã niêm yết kể trên, hệ sinh thái Vingroup còn bao gồm hàng trăm công ty với quy mô vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.
Trong đó, Vinpearl - đơn vị phụ trách hoạt động du lịch, vui chơi giải trí - cuối năm 2024 đã công bố kế hoạch tăng vốn lên gần 18.000 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Công ty này cũng đang dự định niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán thời gian tới.
Tính đến cuối tháng 6/2024, vốn chủ sở hữu của Vinpearl đạt trên 31.500 tỷ đồng, tổng tài sản xấp xỉ 67.750 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD). Trong đó, Vingroup là cổ đông lớn nhất sở hữu 85,55% vốn.
Tương tự, hệ thống bệnh viện Vinmec hiện được điều hành bởi CTCP Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với vốn điều lệ 7.955 tỷ đồng. Trong đó, Vingroup nắm giữ 100% tỷ lệ biểu quyết và 75% tỷ lệ lợi ích kinh tế.
Ở mảng giáo dục, CTCP Vinschool hiện quản lý tài sản bộ phận giáo dục của Tập đoàn Vingroup đến cuối tháng 9/2024 đạt hơn 13.000 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu ở bộ phận này vào khoảng 8.400 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp lớn khác thuộc hệ sinh thái Vingroup là CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM). Cuối năm 2024, công ty này đã tăng vốn điều lệ từ gần 12.732 tỷ đồng lên 18.000 tỷ đồng.
Hệ sinh thái mới đang thành hình
Trong khoảng vài năm trở lại đây, Vingroup và tỷ phú Phạm Nhật Vượng rất tích cực thành lập các công ty con, công ty mới trong lĩnh vực công nghiệp - công nghệ nhằm hoàn thiện hệ sinh thái mới trong tập đoàn.
Trong lĩnh vực công nghệ, ngày 10/1 vừa qua, HĐQT Vingroup đã thông qua việc góp vốn thành lập CTCP Nghiên cứu phát triển và ứng dụng người máy đa năng VinMotion. Doanh nghiệp này có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, Vingroup góp 51%.
Trung tuần tháng 11/2024 trước đó, tập đoàn này cũng đã thành lập CTCP Nghiên cứu phát triển và ứng dụng người máy VinRobotics, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Trong đó, Vingroup góp 51% cổ phần, ông Vượng góp 39%, hai con trai Quân Anh và Minh Hoàng mỗi người góp 5%. VinRobotics hoạt động chính trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến, đặc biệt là các giải pháp tự động hóa, robot công nghiệp và trí tuệ nhân tạo (AI).
Dù đã bán VinBrain cho Nvidia, hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ Vingroup hiện còn một loạt thương hiệu như VinCSS, VinAI, VinBigdata, VinHMS...
Trong lĩnh vực công nghiệp, để hỗ trợ VinFast, tháng 3/2023, ông Vượng đã góp 95% vốn thành lập CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM (vận hành hãng taxi điện Xanh SM), vốn điều lệ ban đầu 3.000 tỷ đồng. Đến nay, GSM đã trải qua 6 lần tăng vốn, hiện ở mức 18.000 tỷ đồng.
Với việc sử dụng 100% phương tiện của VinFast, GSM đã và đang trở thành đầu ra lớn nhất cho nhà sản xuất xe điện của Việt Nam.
Tháng 3/2024, ông Vượng cũng góp 90% vốn thành lập công ty phát triển trạm sạc V-GREEN, hoạt động với vai trò đối tác phát triển mạng lưới trạm sạc cho VinFast trên quy mô toàn cầu. Công ty này đặt mục tiêu đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng trong 2 năm tới để phát triển hệ thống trạm sạc điện tại thị trường Việt Nam.
Không lâu sau, Chủ tịch Vingroup tiếp tục lập công ty mua bán, cho thuê ôtô điện CTCP Thương mại và Dịch vụ FGF và công ty dạy lái ôtô điện CTCP VinDT.
Tại FGF, cuối tháng 11/2024, ông Phạm Nhật Minh Hoàng đã được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật.
Mục tiêu của FGF là trở thành nền tảng giúp phát triển thị trường ôtô điện đã qua sử dụng. Không chỉ mua bán xe cũ, FGF còn cung cấp dịch vụ cho thuê xe điện tự lái (cả xe cũ và xe mới).
Theo công bố từ FGF, chỉ sau 4 tháng thành lập, công ty này đã trở thành đơn vị cho thuê xe số một tại Việt Nam với hơn 3.238 xe đang lăn bánh trên khắp cả nước.
Nguồn Znews: https://znews.vn/de-che-25-ty-usd-cua-gia-dinh-ty-phu-pham-nhat-vuong-post1525171.html