Hệ sinh thái thương mại điện tử: Bài toán mới cho doanh nghiệp Việt
Để tăng trưởng vượt bậc và bền vững, ngoài việc tận dụng tối ưu các cơ hội, DN cần phải gây dựng hệ sinh thái thương mại điện tử (TMĐT) hoàn thiện. Tuy nhiên, hệ sinh thái TMĐT ở Việt Nam còn khá sơ khai, cần được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu mới.
Hệ sinh thái thương mại điện tử còn sơ khai
Trong những năm gần đây, làn sóng chuyển đổi số của các thương hiệu và nhà bán hàng là một trong những chủ đề được quan tâm hàng đầu. Không ít DN, đặc biệt DN vừa và nhỏ đã đặt việc kinh doanh trên các nền tảng TMĐT là một trong những chiến lược phát triển hàng đầu để kịp thời nắm bắt những cơ hội trong nền kinh tế số.
Trước làn sóng này, các nền tảng TMĐT đã và đang phát triển một hệ sinh thái với nhiều công nghệ hiện đại, nhằm giúp DN tận dụng được tối đa sức mạnh của nền tảng số trong việc phát triển hoạt động kinh doanh. Đồng thời, hệ sinh thái này cũng góp phần nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng, và không ngừng mở rộng nguồn khách hàng tiềm năng cho các DN.
Giám đốc Khối vận hành Lazada Lê Thị Quỳnh Trang cho biết, ngay từ khi mới thành lập, Lazada đã đặt mục tiêu xây dựng hệ sinh thái TMĐT gồm 3 yếu tố chính là công nghệ, logistic và con người.
Nhờ xây dựng hệ sinh thái vững chắc, Lazada đã mang lại những trải nghiệm tiện lợi, tối ưu chi phí cho người dùng. Theo bà Lê Thị Quỳnh Trang, để tăng trưởng vượt bậc và bền vững, ngoài việc tận dụng tối ưu các cơ hội, DN cần phải gây dựng hệ sinh thái TMĐT hoàn thiện cho riêng mình, tạo nền tảng thúc đẩy các tương tác giữa DN, thị trường và người dùng diễn ra mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, hệ sinh thái TMĐT ở Việt Nam vẫn còn đang khá sơ khai. Mặc dù hệ sinh thái TMĐT tại Việt Nam đang đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện đầy đủ về số lượng, nhưng mức độ phát triển không đồng đều giữa các thành phần, khiến các tương tác, quy trình vận hành diễn ra rời rạc và khó đạt được tăng trưởng tối ưu.
Hầu hết DN Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng kế hoạch kinh doanh TMĐT của chính mình. Phần lớn DN chưa xác định đúng các thành phần cần thiết và phù hợp với mô hình kinh doanh, dẫn đến những vấn đề về thời gian triển khai và ngân sách triển khai.
Chia sẻ về câu chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, Phó Chủ tịch Unilever Việt Nam Đỗ Thái Vương cho biết, hầu hết mọi người nghĩ tới TMĐT đều cho rằng tất cả hoạt động kinh doanh và vận hành của nó đều trên nền tảng Internet. Tuy nhiên, thực tế chỉ có electronic là thể hiện nghĩa online/internet, còn lại là các hoạt động thuần túy của thương mại.
“Đơn giản, chúng ta đặt hàng được trên các sàn nhưng không có đơn vị logistics thực hiện, hoặc phải đối mặt với chi phí vận chuyển gấp 2 - 3 lần bình thường. Các công ty sản xuất hay các nhà cung cấp thì thiếu công nhân, hoặc gặp các vấn đề về giao nhận” - ông Đỗ Thái Vương chia sẻ.
Nhiều rào cản
Trưởng phòng Chính sách - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Thị Hà cho biết, TMĐT tại Việt Nam là một lĩnh vực mới mẻ so với thị trường chung. Điều này khiến cho môi trường pháp lý dành riêng cho TMĐT vẫn chưa được hoàn thiện và chặt chẽ.
Trong đó, các vấn đề về thuế, bảo mật và xác thực thông tin trong giao dịch điện tử, quyền sở hữu trí tuệ... chưa được bảo vệ với giải pháp thích hợp từ khung pháp lý. Sự mất cân bằng giữa độ hoàn thiện của khung pháp lý và sự thay đổi nhanh chóng của thị trường khiến cho TMĐT trở nên khó kiểm soát, hoặc có nguy cơ phát triển không lành mạnh.
Cụ thể, Thông tư 47/2014/TT-BCT về quản lý website TMĐT đã có những quy định về quy trình, thủ tục đăng ký kinh doanh TMĐT, nhưng quá trình kiểm soát việc đăng ký vẫn chưa được triển khai đầy đủ và chặt chẽ, dẫn đến số lượng DN kê khai đăng ký vẫn chưa đủ so với thực tế.
Vì vậy, tính xác thực của phần lớn DN vẫn chưa thể xác minh, dẫn đến tình trạng gian lận trong giao dịch và các hành vi gian lận khác. Nghiêm trọng hơn là các vấn đề chiếm dụng, giả mạo tên miền do các hacker gây ra để thực hiện hành vi giả mạo DN, khiến cho DN và cả người tiêu dùng bị thiệt hại nghiêm trọng. Điều này cho thấy hệ thống pháp lý hiện nay cần được thực thi mạnh mẽ với biện pháp cụ thể hơn giúp ngăn chặn nguy cơ tấn công từ các tội phạm công nghệ.
Các thực trạng xảy ra trong quá trình mua hàng cũng là một trong những rào cản lớn của hệ sinh thái. Các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm và chất lượng dịch vụ TMĐT, điển hình là quá trình kiểm soát chất lượng sản phẩm, hay gian lận, lừa đảo trong dịch vụ thanh toán, vận chuyển… đều có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi khách hàng và sự phát triển lành mạnh, bền vững của hệ sinh thái TMĐT.
Một trong những rào cản lớn khác cho hệ sinh thái là vấn đề về cạnh tranh và ngân sách đầu tư trong DN. Yêu cầu bảo mật dữ liệu hay đầu tư hạ tầng công nghệ khiến hầu hết DN kinh doanh TMĐT riêng lẻ hiện nay đang chịu sức ép lớn về ngân sách. Điều đó khiến cho hệ sinh thái TMĐT bị chi phối khá lớn bởi sự phát triển của các sàn TMĐT cũng như các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng chia sẻ, việc hoàn thiện của hệ sinh thái TMĐT là nền tảng bền vững giúp cho các DN vừa và nhỏ xây dựng, triển khai kế hoạch kinh doanh TMĐT phù hợp cho từng giai đoạn phát triển, đồng thời xây dựng một hệ sinh thái hoàn thiện cho riêng mình.
DN cần xác định các thành phần phù hợp theo từng mô hình kinh doanh và từng giai đoạn phát triển khác nhau. Dựa trên các thành phần hệ sinh thái đã được xác định cụ thể, DN ước tính thời gian chuẩn bị phù hợp để thúc đẩy quá trình kinh doanh diễn ra đúng thời điểm, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của thị trường và nhu cầu khách hàng.
Từ đó, tăng hiệu quả cho kế hoạch triển khai và hiệu suất hoạt động của hệ thống TMĐT. Về ngân sách triển khai, khi đã xác định rõ ràng các thành phần hệ sinh thái cần thiết cho mô hình kinh doanh của DN, vấn đề ngân sách sẽ được lên kế hoạch cụ thể hơn.