Hệ thống ATM của Agribank Sóc Trăng sẵn sàng phục vụ khách hàng vào dịp cuối năm
Tình trạng ATM quá tải vào dịp cuối năm và đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán ở những năm trước đây khiến việc rút tiền từ ATM gặp không ít khó khăn. Vậy giải pháp nào để khắc phục tình trạng này trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới, ông Nguyễn Phước Lộc - Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Sóc Trăng.
Ông Nguyễn Phước Lộc:Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và của Tổng Giám đốc Agribank về bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn hoạt động ATM dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, chúng tôi cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các chi nhánh loại II, phòng giao dịch trực thuộc thực hiện nghiêm túc theo các nội dung chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và của Tổng Giám đốc Agribank. Cụ thể là: giao ban quản lý ATM các đơn vị trực thuộc phải thường xuyên theo dõi, giám sát lượng tiền từ các ATM để chủ động tiếp quỹ kịp thời nhằm phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, bảo đảm các ATM vận hành ổn định, thông suốt 24 giờ. Tuyệt đối không để tình trạng ATM hết tiền, trường hợp ATM gặp sự cố về kỹ thuật thì tiến hành phối hợp với đối tác để kịp thời khắc phục, sửa chữa để đưa ATM trở lại phục vụ khách hàng một cách sớm nhất. Chúng tôi sẽ thường xuyên cân đối nguồn tiền dự phòng vào những ngày nghỉ cuối tuần và dịp nghỉ tết để có thể chủ động tiếp quỹ ATM kịp thời. Mặt khác, chúng tôi cũng ưu tiên bố trí các loại tiền bảo đảm đủ tiêu chuẩn lưu thông, tiền mới phát hành để phục vụ khách hàng tại ATM.
Phóng viên: Vậy đâu là những nguyên nhân chủ yếu về lượng khách hàng đến giao dịch tại ATM tăng lên đột biến gây nên tình trạng quá tải ATM của Agribank nói riêng và ATM trên địa bàn nói chung?
Ông Nguyễn Phước Lộc:Thứ nhất, thông thường vào dịp cuối năm, khách hàng ở các tỉnh khác về quê ăn tết rất đông; bên cạnh đó, lượng khách du lịch đến Sóc Trăng không nhỏ, dẫn đến nhu cầu giao dịch tại ATM tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Đặc biệt, lượng khách hàng sử dụng thẻ của ngân hàng khác (ngoài Agribank) đến giao dịch tại ATM của Agribank Sóc Trăng rất lớn gây nên tình trạng quá tải, làm ảnh hưởng đến khách hàng sử dụng thẻ của Agribank.
Thứ hai, nhu cầu rút tiền mặt để mua sắm, chi tiêu của hầu hết người dân trong tỉnh nói riêng và cả nước nói chung rất lớn, không chỉ tại ATM mà ở tất cả các quầy giao dịch của ngân hàng cũng gây nên quá tải ở một vài thời điểm cuối năm âm lịch. Mặt khác, khách hàng thường tập trung vào một số ATM trên tuyến đường Trần Hưng Đạo, trong khi đó ATM ở trên trục đường khác lại vắng khách.
Thứ ba, một số ngân hàng thương mại phát hành thẻ cho khách hàng nhưng hệ thống ATM không đáp ứng đủ nhu cầu giao dịch của khách hàng. Do đó, khách hàng phải lựa chọn đến ATM của Agribank để giao dịch.
Thứ tư, trong những năm qua Agribank đã phát triển hệ thống ngân hàng điện tử (E-Bank) khá hiệu quả trong việc thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, đa phần khách hàng vẫn thích sử dụng tiền mặt trong thanh toán. Vì vậy tạo nên nhu cầu về tiền mặt trong nền kinh tế rất lớn, dẫn đến tình trạng quá tải cho hệ thống ATM cũng như ngân hàng trong dịp cuối năm.
Phóng viên: Vậy để giảm bớt và khắc phục tình trạng trên, theo ông thì ngân hàng cần có những giải pháp nào?
Ông Nguyễn Phước Lộc:Để khắc phục tình trạng quá tải khi giao dịch tại ATM vào dịp cuối năm như nói ở phần trên, theo tôi vấn đề cốt lõi để khắc phục một cách triệt để là làm thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt trong nhân dân, bằng việc thanh toán không dùng tiền mặt dựa trên các ứng dụng Internet Banking, E-Mobile Banking, POS/EDC, thanh toán bằng mã QR Code... Hiện tại, Agribank đã triển khai thí điểm Đề án Đẩy mạnh phát triển thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn nhằm góp phần mục tiêu thực hiện Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước đã được Chính phủ phê duyệt.
Đối với Ngân hàng Nhà nước cần có quy định trong quản lý thị trường thẻ để khống chế số lượng phát hành thẻ của tổ chức tín dụng phụ thuộc vào số lượng ATM. Tránh tình trạng một số tổ chức tín dụng phát hành thẻ ồ ạt nhưng không đầu tư phát triển hệ thống ATM để phục vụ khách hàng.
Phóng viên: Khi giao dịch tại ATM tăng lên thì khả năng dẫn đến các sự cố nghẽn mạng, nghẽn đường truyền là không tránh khỏi. Vậy để hạn chế những sự cố xảy ra thì khách hàng cần lưu ý những vấn đề gì?
Ông Nguyễn Phước Lộc: Thứ nhất, quý khách cần thận trọng để nhập các thông tin chính xác nhằm tránh phải nhập lại nhiều lần, trường hợp nhập sai mã PIN quá 3 lần, thẻ sẽ bị khóa, quý khách sẽ không thực hiện được các giao dịch trên ATM. Mặt khác, quý khách cần tránh rút tiền vào giờ cao điểm như: Thời điểm đầu tháng (thời điểm cán bộ, công nhân viên nhận lương) hoặc cuối ngày giao dịch (từ 17 giờ - 19 giờ hàng ngày, khi các ngân hàng đang khóa sổ cuối ngày) dễ bị tình trạng nghẽn mạng.
Thứ hai, quý khách có thể lựa chọn hình thức thanh toán hàng hóa, dịch vụ thông qua hệ thống EDC/POS (điểm chấp nhận thẻ) góp phần giảm áp lực rút tiền mặt tại ATM và góp phần thực hiện chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt của Chính phủ. Khi quý khách sử dụng thanh toán qua hệ thống EDC/POS, quý khách không phải tốn bất kỳ khoản phí nào. Hiện nay Agribank Sóc Trăng đã triển khai các điểm chấp nhận thanh toán thẻ (EDC/POS) tại các cửa hàng, shop, nhà hàng, khách sạn, với số lượng 49 điểm chấp nhận thanh toán thẻ. Ngoài ra, quý khách cũng có thể thanh toán qua ứng dụng E-Mobile Banking, Internet Banking... của Agribank, thanh toán bằng mã QR Code tiện lợi, nhanh chóng.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông dành thời gian cho cuộc trao đổi này!