Hệ thống cảnh báo sớm tên lửa của Mỹ hoạt động thế nào?
Mạng lưới vệ tinh hồng ngoại và radar cảnh báo sớm trên mặt đất giúp Mỹ phát hiện sớm vụ phóng tên lửa đạn đạo của Iran, qua đó kịp thời sơ tán để giảm thiểu thương vong.
Iran đã bắn khoảng 15 tên lửa đạn đạo vào 2 căn cứ quân đội Mỹ ở Iraq để trả thù cho việc Mỹ ám sát tướng Qassem Soleimani, tư lệnh lực lượng Quds, thuộc Vệ binh Cách mạng Iran. Phát biểu tại Nhà Trắng sau cuộc tấn công của Iran, Tổng thống Donald Trump cho biết không có người Mỹ hay Iraq nào thiệt mạng trong vụ tấn công, vì hệ thống cảnh báo sớm đã hoạt động tốt.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết hệ thống cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của Mỹ đã phát hiện sớm vụ phóng, cung cấp cho lực lượng Mỹ và liên quân đủ thời gian để thực hiện các biện pháp bảo vệ lực lượng.
Hình thành Chiến tranh Lạnh
Theo tạp chí Wired của Mỹ, hệ thống cảnh báo sớm vụ phóng tên lửa đạn đạo của Mỹ được hình thành trong những ngày đầu Chiến tranh Lạnh, trước mối đe dọa tấn công hạt nhân của Liên Xô.
Đến đầu những năm 1960, Mỹ đã có mạng lưới gồm hàng chục radar cảnh báo sớm trên mặt đất tập trung xung quanh Bắc Cực và một số vệ tinh hồng ngoại có thể phát hiện nhiệt từ động cơ tên lửa đang cháy.
Các radar trên mặt đất sẽ phát sóng vô tuyến tần số cao về phía đường chân trời, nếu một tên lửa được phóng lên, sóng vô tuyến sẽ phản xạ từ tên lửa trở lại ăng ten. Trong khi đó, các vệ tinh hồng ngoại sẽ tìm kiếm dấu hiệu nhiệt từ động cơ tên lửa.
Các phương pháp để phát hiện sớm vụ phóng tên lửa đạn đạo đã không thay đổi trong 50 năm qua, nhưng các hệ thống cảnh báo sớm ngày nay nhạy bén và chính xác hơn trước rất nhiều.
Một trong những cải tiến lớn nhất là hệ thống cảnh báo sớm trong không gian, giúp Mỹ theo dõi và phát hiện sớm các vụ phóng tên lửa trên toàn cầu. Mỹ hiện có 4 vệ tinh hồng ngoại trong quỹ đạo không đồng bộ địa chất, nghĩa là chúng không bao giờ thay đổi vị trí so với bề mặt Trái Đất.
2 vệ tinh hồng ngoại bổ sung được quản lý bởi Văn phòng trinh sát quốc gia. Trong vụ tấn công của Iran, gần như chắc chắn một trong các vệ tinh này đã cung cấp cho quân đội đầu mối quan trọng về vụ phóng.
Riki Ellison, người sáng lập Liên minh phòng thủ tên lửa, cho biết radar bị giới hạn bởi đường chân trời, các dãy núi và bạn không thể phát hiện ra tên lửa cho đến khi nó lên một độ cao nhất định, bạn cần một cái gì đó trực tiếp ngay trên đầu.
Cơ chế hoạt động
Khi vệ tinh hồng ngoại phát hiện vụ phóng tên lửa, nó sẽ kích hoạt cảnh báo tại trung tâm cảnh báo tên lửa điều hành bởi Bộ chỉ huy Không gian Mỹ, tại căn cứ Cheyenne ở bang Colorado.
Ở đó các nhà phân tích sẽ làm việc để xác định quỹ đạo và nơi tên lửa sẽ tấn công. Từ kết quả phân tích, Bộ chỉ huy Không gian Mỹ sẽ xác định việc đánh chặn cần thiết hay không.
Trong trường hợp vụ tấn công của Iran, các quan chức quân đội nói rằng Mỹ biết trước nhiều giờ về cuộc tấn công sắp xảy ra từ thông tin liên lạc và tình báo, nhưng cảnh báo về vụ phóng có khả năng diễn ra chỉ vài phút trước khi tên lửa hướng đến căn cứ Mỹ.
Không có nỗ lực nào được thực hiện để đánh chặn tên lửa, thay vào đó, binh sĩ tại các căn cứ bị tấn công được lệnh sơ tán khẩn cấp để tránh thiệt hại.
Phòng thủ tên lửa Mỹ có theo kịp công nghệ mới?
Hệ thống cảnh báo sớm của Mỹ hoạt động hoàn hảo với các tên lửa đạn đạo mà Iran sử dụng. Tên lửa đạn đạo mà Iran phóng đi có quỹ đạo hình parabol, nên quỹ đạo của nó có thể tính toán với độ chính xác rất cao khi nó được phóng lên.
“Hệ thống không được thiết kế để xử lý các tên lửa tiên tiến hơn. Những gì chúng ta đang thấy là mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo trở nên phức tạp hơn, thông qua khả năng cơ động của tên lửa”, Tom Karako, Giám đốc dự án tên lửa thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế CSIS, nói.
Các tên lửa tiên tiến có thể thay đổi quỹ đạo giữa chuyến bay, điều đó khiến việc tính toán nơi tên lửa sẽ tấn công trở nên khó khăn hơn. Ông Karako cho rằng Iran có thể làm chủ được công nghệ tên lửa đạn đạo có khả năng cơ động.
Các đối thủ của Mỹ như Nga, Trung Quốc có những tên lửa tiên tiến hơn được gọi là phương tiện bay siêu vượt thanh. Chúng được phóng lên quỹ đạo như tên lửa đạn đạo thông thường, sau đó đầu đạn tách khỏi tên lửa và lướt trên bầu khí quyển với quỹ đạo không thể đoán được.
Đối phó với loại tên lửa như thế đòi hỏi sự kết hợp khả năng theo dõi liên tục quỹ đạo của tên lửa đang bay ở độ cao khá thấp. Nó đã tạo ra một điểm mù trong hệ thống cảnh báo sớm tên lửa của Mỹ.
Lầu Năm Góc nhận ra khiếm khuyết này và đang phối hợp với các nhà thầu để cập nhật công nghệ. Năm 2018, Lầu Năm Góc đã trao cho tập đoàn Northrop Grumman hợp đồng trị giá 866 triệu USD trong 5 năm để nâng cấp 3 hệ thống radar cảnh báo sớm trên mặt đất.
Năm 2019, quốc hội Mỹ đã phê duyệt khoản ngân sách 160 triệu USD để đẩy nhanh tiến độ phát triển vệ tinh thế hệ 5 có thể theo dõi các vật thể bay ở tốc độ siêu vượt thanh, dự kiến phóng lên không gian vào năm 2025.
Ông Ellison hy vọng trí tuệ nhân tạo sẽ đóng vai trò lớn hơn trong hệ thống cảnh báo sớm tên lửa của Mỹ, khi số lượng các mối đe dọa tăng lên. “Chúng ta phải di chuyển nhanh hơn, quân đội Mỹ cần sử dụng máy móc và công nghệ mới để đẩy nhanh tiến độ”, ông Ellison nói.
Vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran là một lời cảnh báo nghiêm trọng về tầm quan trọng của hệ thống cảnh báo sớm mạnh mẽ. Nó có vai trò rất quan trọng trong việc cứu sống người Mỹ và người Iraq để ngăn chặn sự tổn thất nhân mạng của vô số người.