Hệ thống cấp điện cho tàu metro TPHCM như nào?
Tàu metro số 1 TPHCM do Nhật Bản thiết kế vận hành bằng điện. Điện được cấp qua hệ thống dây phía trên cao, khác với công nghệ châu Âu và các nước khác là điện được cấp dưới đường ray thứ ba ở giữa.
Tuyến metro số 1 TPHCM chính thức vận hành thương mại từ ngày 22/12/2024. Đến nay, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM vận chuyển trung bình hơn 100.000 lượt hành khách/ngày. Trong đó, có những ngày cao điểm, lượng hành khách tăng cao đột biến với hơn 200.000 lượt.
Số lượng khách trong những ngày cao điểm đã vượt rất xa, gấp từ 4-5 lần so với kế hoạch vận chuyển được tính toán ban đầu (mỗi ngày 38.939 lượt).
Đơn vị vận hành đánh giá nhu cầu trải nghiệm metro của người dân vẫn còn lớn, do đó, trong những ngày cuối tuần và dịp Tết Dương lịch vừa qua, lượng hành khách đi tàu luôn tăng cao.
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, tàu metro số 1 do Nhật Bản thiết kế chạy bằng điện. Điện được cấp qua hệ thống dây phía trên cao, khác với công nghệ châu Âu và các nước khác (điện được cấp bên dưới đường ray thứ ba ở giữa).
Từ lưới điện quốc gia, tuyến metro số 1 được cấp hẳn một đường dây riêng biệt không liên quan với đường dây cấp cho khu cư dân cư. Điện được cấp tại hai trạm điện chính là Bình Thái (TP Thủ Đức) và Tân Cảng (quận Bình Thạnh).
Mỗi đường ray sẽ có hai máng bê tông chạy dọc theo. Một là đường dây lấy nguồn từ hai trạm 110kV trạm điện Tân Cảng, Bình Thái cấp nguồn 22kV cho các trạm điện sức kéo và dịch vụ của tuyến. Đường dây còn lại cấp nguồn 6kV dịch vụ cho từng nhà ga.
Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, hệ thống tiếp điện trên cao (Overhead Contact System - gọi tắt là OCS) là một trong 11 hệ thống thuộc Gói thầu số 3: “Mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng”.
“Hệ thống này giữ vai trò cung cấp nguồn điện trực tiếp cho đoàn tàu thông qua việc tiếp xúc giữa dây mang điện với cần lấy điện được gắn trên nóc đoàn tàu. Đây được xem là công nghệ tiên tiến và phổ biến trên thế giới trong việc cấp điện an toàn và hiệu suất cao cho đoàn tàu”- đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM cho biết.
Cũng theo đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM, toàn bộ các cấu phần của hệ thống OCS của tuyến metro số 1 đều được sản xuất tại Nhật Bản theo như yêu cầu của hợp đồng.
Tuyến metro số 1 TPHCM dài 19,7km từ ga ngầm Bến Thành (Quận 1) đến Depot Long Bình (TP Thủ Đức). Trong đó, đoạn ngầm dài 2,6km với 3 nhà ga ngầm gồm: Ga Bến Thành, Ga Nhà hát Thành phố, Ga Ba Son.
Đoạn trên cao dài 17,1km với 11 nhà ga trên cao, gồm: Công viên Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu Công Nghệ cao, Đại học Quốc gia, Bến xe Suối Tiên.
Trong 6 tháng đầu vận hành, tàu hoạt động từ 5h-22h hằng ngày. Thời gian chờ: 8-12 phút/chuyến. Trong đó, khung giờ cao điểm (từ 6 - 8h, 11 - 12h và 15h30 - 18h mỗi ngày), tàu sẽ chạy với tần suất 8 phút/chuyến. Thời gian còn lại, giãn cách là 12 phút/chuyến.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/he-thong-cap-dien-cho-tau-metro-tphcm-nhu-nao-post1707013.tpo