Hệ thống chuẩn mực kiểm toán mới: Nâng cao năng lực hiệu quả quản lý kinh tế
Bộ Tài chính đã chính thức ban hành 37 chuẩn mực kiểm toán Việt Nam mới để thay thế hệ thống chuẩn mực kiểm toán hiện hành, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Đây là công cụ quan trọng nâng cao chất lượng hoạt động tài chính, kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập nhanh với nền kinh tế thế giới.
Xu thế tất yếu
Đánh giá về sự cần thiết của việc Bộ Tài chính quyết định ban hành 37 chuẩn mực kiểm toán mới, theo Phó Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), hệ thống chuẩn mực kiểm toán là cơ sở để đào tạo, thực hành kiểm toán và kiểm tra, kiểm soát nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như nâng cao chất lượng báo cáo tài chính (BCTC).
Tuy nhiên, qua hơn 10 năm triển khai thì hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam ban hành từ 1999-2005 đã bộc lộ nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường. Năm 2009, Ủy ban chuẩn mực quốc tế đã ban hành lại hệ thống chuẩn mực kiểm toán, do đó Bộ Tài chính cũng nhận thấy Việt Nam phải ban hành lại hệ thống chuẩn mực này. Trước yêu cầu thực tiễn phát triển của các loại hình kinh tế cùng với hoạt động hợp tác kinh tế quốc tế gia tăng, năm 2010 Bộ Tài chính đã giao việc nghiên cứu soạn thảo hệ thống chuẩn mực kiểm toán mới cho VACPA thực hiện.
Cũng theo ông Bùi Văn Mai, so với hệ thống chuẩn mực kiểm toán cũ, hệ thống chuẩn mực vừa ban hành có nhiều điểm đổi mới. Trước hết, hệ thống chuẩn mực này được ban hành sau khi Luật Kiểm toán độc lập đã được ban hành năm 2011. Như vậy đã có một văn bản có giá trị pháp lý cao thể hiện các quy định của Nhà nước về kiểm toán độc lập.
Ưu điểm mang tính đột phá
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, kế toán- kiểm toán, trong hệ thống chuẩn mực kiểm toán mới, cách tiếp cận đã thay đổi mang tính chất áp dụng các kỹ thuật tiên tiến hơn trước. Trước đây khi tổ chức một cuộc kiểm toán thường dựa vào phương pháp chọn mẫu, còn hiện nay nền kinh tế thị trường phát triển đa dạng, chuẩn mực mới yêu cầu phải dùng phương pháp tiếp cận, đánh giá và xác định rủi ro. Tức là đánh giá toàn bộ hệ thống kiểm soát nội bộ của một doanh nghiệp (DN) từ khâu ban hành nội quy, quy chế, quy trình xuất nhập, mua bán hàng hóa, tổ chức bộ máy,… xem khâu nào yếu, nhiều khả năng xảy ra rủi ro thì tập trung để kiểm toán. Cách tiếp cận mới này sẽ nâng cao kỹ năng xét đoán chuyên môn, kỹ năng đánh giá và nâng cao trách nhiệm của kiểm toán viên (KTV).
Trong năm 2013: Bộ Tài chính đã giao cho VACPA tiến hành phổ biến, triển khai và hướng dẫn thực hiện 37 chuẩn mực kiểm toán mới. 37 chuẩn mực kiểm toán sẽ áp dụng đối với DN kiểm toán, chi nhánh DN kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam, kiểm toán viên hành nghề và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập.
Báo cáo kiểm toán theo chuẩn mực mới cũng đòi hỏi trách nhiệm cao hơn của DN là đơn vị phải lập và trình bày một cách trung thực, hợp lý tình hình tài sản, vốn và kết quả kinh doanh trên BCTC. Như vậy chuẩn mực mới giúp nâng cao trách nhiệm của tất cả các bên liên quan: KTV, công ty kiểm toán và DN khách hàng.
Ý kiến kiểm toán cũng có những thay đổi lớn. Cụ thể, quy định trước đây chia ý kiến kiểm toán làm 4 loại, gồm: chấp nhận toàn phần, ngoại trừ, không chấp nhận và từ chối cho ý kiến. Để hướng đến mục tiêu các BCTC khi đã đưa ra xã hội phải phản ánh trung thực và hợp lý, người làm BCTC phải gắn trách nhiệm của mình vào sản phẩm, chuẩn mực mới quy định chỉ có 2 loại ý kiến là “chấp nhận toàn phần” và “không phải là chấp nhận toàn phần”, và chủ yếu BCTC và BCKT phải đạt được ý kiến chấp thuận toàn phần – là mục đích và yêu cầu của xã hội đối với BCTC sau kiểm toán.
Hơn nữa, việc áp dụng các chuẩn mực kiểm toán mới còn có tác dụng rõ nét trong việc quản lý, phòng ngừa những vụ việc vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán đã và đang xảy ra hiện nay.
Phó Chủ tịch VACPA Bùi Văn Mai cho hay, những năm gần đây sai phạm về kiểm toán xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do khủng hoảng kinh tế nên các DN đều gặp khó khăn, có tâm lý làm đẹp BCTC. Nguyên nhân thứ hai là do hệ thống chuẩn mực kiểm toán hiện hành của ta đã lạc hậu, chưa thể hiện rõ được trách nhiệm của KTV và DN khách hàng. Tin rằng sau khi những chuẩn mực mới được áp dụng triệt để thì chắc chắn chất lượng kiểm toán sẽ được nâng cao.
Sắp tới VACPA sẽ tiếp tục trình Bộ Tài chính ban hành thêm 4 chuẩn mực kiểm toán và 1 chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp.