Hệ thống cơ sở dữ liệu - nền tảng phát triển ngành văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, dữ liệu đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quý giá nhất, không chỉ là nền tảng mà còn định hình sự phát triển của các ngành kinh tế số. Với ngành văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình, việc phát triển cơ sở dữ liệu cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Vấn đề đã được đề cập tại hội thảo 'Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình', được tổ chức ngày 1/10, tại Hà Nội.
Bảo đảm dữ liệu "Đúng - Đủ - Sạch - Sống"
Phát biểu khai mạc Hội thảo: “Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình” hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 1/10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương khẳng định: Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước, nhất là dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương là giải pháp giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu; nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp theo hướng lấy người dùng làm trung tâm. Người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp thông tin thủ công nhiều lần cho cơ quan nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ, tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết: Tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Cán sự đảng Bộ, lãnh đạo Bộ, đặc biệt là Bộ trưởng, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã quan tâm, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản triển khai nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số tại Bộ, cũng như triển khai các nội dung của Đề án 06. Năm 2024, Bộ đã triển khai rà soát, làm sạch và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo dữ liệu Đúng-Đủ-Sạch-Sống.
“Việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu hiện đại, đồng bộ và hiệu quả không chỉ giúp ngành quản lý tốt hơn mà còn mở ra những cơ hội mới để khai thác, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa của đất nước; góp phần hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thể thao thông minh, tiện ích, gia tăng thành tích cho các vận động viên; phát triển các dịch vụ du lịch thông minh, nâng cao trải nghiệm cho du khách, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới” - Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.
Thời gian qua, việc triển khai công tác chuyển đổi số tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đạt được các kết quả tích cực như: Nhận thức và hành động về triển khai chuyển đổi số của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có nhiều chuyển biến; Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo đáp ứng kịp thời; Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, tập trung triển khai các nền tảng số dùng chung cho ngành như nền tảng bảo tàng số, nền tảng số về quản trị và kinh doanh du lịch.
Bên cạnh đó, dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp được triển khai ngày càng hiệu quả; công tác đảm bảo an toàn, an ninh luôn được chú trọng; nguồn lực dành cho chuyển đổi số, dữ liệu số được quan tâm, tăng cường, đặc biệt là kinh phí cho chuyển đổi số phục vụ công tác chuyên môn như triển khai các hệ thống ứng dụng, tạo lập cơ sở dữ liệu, duy trì vận hành, tuyên truyền và đào tạo đã tăng hằng năm.
Việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu hiện đại, đồng bộ và hiệu quả không chỉ giúp ngành quản lý tốt hơn mà còn mở ra những cơ hội mới để khai thác, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa của đất nước; góp phần hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thể thao thông minh, tiện ích, gia tăng thành tích cho các vận động viên; phát triển các dịch vụ du lịch thông minh, nâng cao trải nghiệm cho du khách, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới
Ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, nhìn tổng thể và so sánh với các mục tiêu, yêu cầu đề ra, kết quả đạt được chưa đồng đều. Các cơ sở dữ liệu còn thiếu đồng bộ và chưa được khai thác một cách tối ưu. Vấn đề bảo mật thông tin và quyền riêng tư cũng đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải có cách tiếp cận toàn diện, khoa học và thận trọng.
Đó là lí do Hội thảo “Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình” được Bộ tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến phát triển cơ sở dữ liệu ngành văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình; tạo cơ sở tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 323/QĐ -BVHTTDL về Kế hoạch triển khai Đề án 06 tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Bảo đảm an ninh, an toàn cơ sở dữ liệu đã được số hóa
Thời gian qua, đẩy mạnh phát triển cơ sở dữ liệu, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã bước đầu số hóa, chuẩn hóa dữ liệu hiện có của một số lĩnh vực nhằm từng bước hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành, như: số hóa dữ liệu và cập nhật thông tin di sản văn hóa tại các phần mềm hệ thống thông tin quản lý được triển khai trên phạm vi toàn quốc; số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam; xây dựng cơ sở dữ liệu về lĩnh vực du lịch; số hóa, chuyển đổi, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ…
Tuy nhiên, quá trình phát triển, số hóa cơ sở dữ liệu cũng phải đối mặt nhiều thách thức. Là cơ quan lưu trữ hình ảnh động quốc gia, hiện nay Viện Phim Việt Nam đang lưu giữ gần 80.000 cuốn phim nhựa, nhưng hàng năm Viện chỉ số hóa được từ 600-700 cuốn phim. Các trang thiết bị tuy được đầu tư nhưng đến nay phần lớn đã lạc hậu. Công tác lưu trữ và quản lý dữ liệu vẫn còn thủ công do chưa có hệ thống lưu trữ dữ liệu chuyên dụng cũng như phần mềm quản lý dữ liệu hiện đại, phù hợp với đặc thù công việc. Với nguồn lực hiện tại, để số hóa được hết kho phim đòi hỏi thời gian vô cùng lớn.
Bên cạnh đó, theo Tiến sĩ Phạm Thị Khánh Ngân, Cục Di sản Văn hóa, việc xây dựng kho dữ liệu còn chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục và bền vững; chưa tính đến việc liên kết dữ liệu để cùng khai thác đáp ứng nhu cầu phát triển. Phần mềm dùng chung cũng còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; cơ sở dữ liệu được xây dựng và vận hành độc lập với ứng dụng công nghệ khác nhau, quản lý và khai thác riêng, chưa có sự liên kết và phân cấp quản lý, khai thác.
Đại diện Cục Di sản Văn hóa đề xuất, cần xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa Việt Nam để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Hoàn thiện các quy chế phối hợp, cập nhật, chia sẻ dữ liệu trong hệ thống các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời, xây dựng chính sách khuyến khích đào tạo và đào tạo lại ở trong nước và nước ngoài cho cán bộ có trình độ ngoại ngữ và tin học đáp ứng yêu cầu phân tích, đánh giá, số hóa và cập nhật dữ liệu quốc gia.
Thêm một thách thức là khi đưa tư liệu lên môi trường số thì vấn đề bảo đảm tính bảo mật của dữ liệu cũng đặt ra cấp thiết. Trên thực tế, việc sao chép, chia sẻ dữ liệu, để lọt thông tin hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí có thể chỉ do vô ý của cá nhân trong đơn vị, nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Ông Phạm Quốc Hoàn, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh nhận định: Việc thay đổi mô hình xử lý, thay đổi lề lối làm việc, xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số, triển khai các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu (thường là sản phẩm vô hình) là khó, phức tạp, có sự rủi ro cao, do đó đòi hỏi quyết tâm rất cao của lãnh đạo và người đứng đầu. Mặt khác, việc đưa các hoạt động chuyên môn, quản lý lên môi trường số sẽ làm tăng tính minh bạch hóa, công khai, tăng sự kiểm tra, giám sát, sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích cục bộ của một số cơ quan, đơn vị, nên ban đầu triển khai sẽ có rào cản.
Do đó, theo đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ninh, việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin-truyền thông phải hiện đại và đi trước một bước, triển khai các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phải gắn liền với bảo đảm an toàn thông tin mạng; Đầu tư cho các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phải đồng bộ, có lộ trình thích hợp và phải huy động được mọi nguồn lực; việc bố trí nguồn vốn, ban hành các cơ chế, chính sách phải kịp thời, phù hợp, bảo đảm tiến độ triển khai.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp cung cấp giải pháp về an toàn hệ thống thông tin, đại diện Công ty Cổ phần Phát triển Nguồn mở và Dịch vụ FDS nhấn mạnh, muốn xây dựng cơ sở dữ liệu hiệu quả, cơ sở dữ liệu cần được phân thành dữ liệu phục vụ công tác quản lý, điều hành và dữ liệu chuyên ngành, chuyên sâu. Bên cạnh đó, lưu ý 3 yếu tố: Cơ sở dữ liệu cần được thiết kế theo cách thức xây dựng dữ liệu chủ; Các dữ liệu được số hóa ban đầu dưới dạng dữ liệu thô nhưng sau đó cần được tinh chỉnh, sàng lọc để trở thành dữ liệu chính thức, được xác thực và định danh; Cơ sở dữ liệu cần gắn với các phần mềm nghiệp vụ chuyên ngành, cũng như quá trình giải quyết thủ tục hành chính và công tác quản lý nhà nước, công tác báo cáo thống kê.
Được biết, thời gian tới, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ tập trung hoàn thiện các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng để bảo vệ cơ sở dữ liệu ngành. Trong đó, Bộ tập trung nâng cấp hệ thống hạ tầng an toàn thông tin và công tác đảm bảo an toàn thông tin trong các dự án, kế hoạch như: Kế hoạch duy trì vận hành môi trường đáp ứng kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 06) - năm 2024. Tới năm 2025, dự kiến sẽ hoàn thành 2 dự án, đó là: “Dự án nền tảng tích hợp, xử lý dữ liệu trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch” và Dự án xây dựng nền tảng, cơ sở dữ liệu quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.