Hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch đang suy thoái

Năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức thêm 5 chợ phiên nông sản nữa, với mục tiêu phủ khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố, để sản phẩm thực phẩm sạch đến được tận tạy mọi người dân.

Sau một thời gian rầm rộ phát triển, đến nay tại TP. Hồ Chí Minh đã không còn thấy nhiều cửa hàng thực phẩm sạch hay thực phẩm organic (sản phẩm thực phẩm được nuôi trồng theo phương pháp hữu cơ, không phân bón hóa học, an toàn cho người sử dụng) như trước. Người bán không phát triển nổi chuỗi cửa hàng do vắng khách. Người mua vừa khó tìm địa chỉ bán vừa khó phân biệt thực phẩm sạch và thực phẩm thông thường nên lại chọn vào siêu thị mua sắm.

Năm 2019, thành phố dự kiến tổ chức thêm 5 chợ phiên nông sản nhằm phủ khắp các quận, huyện

Năm 2019, thành phố dự kiến tổ chức thêm 5 chợ phiên nông sản nhằm phủ khắp các quận, huyện

Ông Bùi Văn My, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh) cho biết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân thành phố hiện lớn nhất nước. Mỗi năm, thành phố cần hơn 200 nghìn tấn thịt heo, 130 nghìn tấn thịt gia cầm, 1 tỷ quả trứng gà, 132 nghìn tấn thủy hải sản và 1 triệu tấn rau củ quả. Ba chợ đầu mối trên địa bàn thành phố là Bình Ðiền, Thủ Ðức, Hóc Môn bình quân nhập chợ và tiêu thụ từ 10 nghìn tấn - 12 nghìn nông sản/ngày. Ngoài ra, thành phố còn là một đầu mối tập trung phân phối hàng nông sản đi các tỉnh, cũng như xuất khẩu đi các nước.

Số lượng người dân đang sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chi Minh hiện khoảng 13 triệu người, như vậy nhu cầu tiêu thụ thực phẩm thiết yếu là rất lớn. Đặc biệt, trong điều kiện hiện tại, mức sống của người dân đô thị ở Việt Nam đang ngày càng cao, thì nhu cầu về thực phẩm sạch cũng ngày càng bức thiết. Và điều này đã tạo nên một thị trường lớn chuyên kinh doanh thực phẩm sạch, thực phẩm organica.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Phương Thảo - chủ chuỗi cửa hàng rau hữu cơ organica tại TP. Hồ Chí Minh, việc sản xuất và kinh doanh thực phẩm hữu cơ rất khó khăn. Mặc dù tại các thành phố lớn, thu nhập của người tiêu dùng ngày càng tăng và quan tâm nhiều hơn đến vấn đề ăn uống an toàn và khỏe mạnh cho gia đình, nhưng việc tiêu dùng sản phẩm hữu cơ chưa phải là phổ biến.

Phần lớn khách hàng chọn thực phẩm sạch là các gia đình trẻ, hiện đại, có công việc và thu nhập tốt. Một phần khách hàng khác là những ông bố, bà mẹ ưu tiên mua chút thực phẩm sạch cho con nhỏ, đến khi con lớn hơn (trên 6 tuổi) họ quay lại những sản phẩm thông thường, vì thu nhập hoặc vì giá cả sản phẩm hữu cơ cao hơn sản phẩm thông thường gấp 2, 3 lần.

Chính vì thế, tuy đã có nhiều doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, tạo nên một thị trường sôi động hơn, giúp lan tỏa nhận thức đến người tiêu dùng, thay đổi cách sống, chú trọng nhiều hơn cho sức khỏe, nhưng các DN trong lĩnh vực này đang gặp rất nhiều trở ngại.

Ghi nhận tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, nếu 3 năm trước là thời điểm bùng nổ cửa hàng thực phẩm sạch, với vài chục thương hiệu, cửa hàng kinh doanh như Cánh Cam, Rau Sạch, Thỏ Ngọc… thì hiện nay, chỉ còn chưa quá 10 thương hiệu chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch mà người tiêu dùng biết đến như Cầu Đất Farm, Rau Cười Việt Nhật, Thế giới Nông sản, Organica, Cửa hàng Rau Đà Lạt GAP… Các thương hiệu này tuy do nhiều DN khác nhau đầu tư, nhưng phần lớn sản phẩm rau củ quả, nông sản khô (gạo, gia vị, dầu ăn) đều sản xuất tại Đà Lạt.

Theo chị Nguyễn Thanh Xuân, nhân viên Cửa hàng Rau Đà Lạt GAP thì, dù được quảng bá rộng rãi nhưng cửa hàng (tại quận Gò Vấp) cũng chỉ bán cho số ít khách hàng ở gần, rất khó mở thêm cơ sở ở những nơi khác vì chi phí đầu vào cao quá, cộng với giá sản phẩm sạch vốn đã cao, nên kén chọn khách.

Trong những nỗ lực không ngừng nghỉ, các sự kiện Phiên chợ nông sản an toàn (do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh khởi xướng), Phiên chợ Xanh tử tế… vẫn diễn ra thường kỳ như ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp cho hay.

Bình quân các Phiên chợ Nông sản an toàn tổ chức được 10 điểm/tuần, với doanh số bán hàng tại các chợ phiên và các hợp đồng được ký kết, đặt hàng của các đơn vị thông qua chợ phiên đạt 31,5 tỷ đồng/tháng. Qua đó cho thấy, người dân đã có chuyển biến tốt về nhận thức trong việc lựa chọn sản phẩm nông sản an toàn.

Vì vậy, năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức thêm 5 chợ phiên nông sản nữa, với mục tiêu phủ khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố, để sản phẩm thực phẩm sạch đến được tận tạy mọi người dân. Đây cũng chính là ước muốn của người dân để có nhiều hơn cơ hội tiếp cận với nguồn thực phẩm sạch.

Thanh Trà

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/he-thong-cua-hang-thuc-pham-sach-dang-suy-thoai-90055.html