Vào thứ ba, ngày 23/3, 3 phi công Nga đã thiệt mạng khi ghế phóng được kích hoạt trên chiếc oanh tạc cơ siêu âm Tu-22M3 đang đỗ tại một sân bay gần Kaluga.
Do không đủ độ cao để bung dù, 3 thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng khi tiếp đất. Trong số đó có cả vị đại tá chỉ huy trung đoàn, người ngồi tại vị trí của huấn luyện viên.
Phi công thứ tư sống sót sau sự cố, anh được đưa đến bệnh xá của đơn vị y tế ở Shaikovka, một nguồn tin trong cộng đồng y tế khu vực nói với hãng thông tấn TASS.
“Máy bay ném bom siêu âm Tu-22M3 được trang bị một nút phóng cưỡng bức. Với nút này, chỉ huy chiếc phi cơ có thể 'trục xuất' toàn bộ phi hành đoàn. Thiết bị trên được sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như khi máy bay gặp sự cố. Có thể ai đó đã nhấn nút này”.
Phỏng đoán trên được ông Andrey Krasnoperov - thiếu tá giảng viên lực lượng dự bị không quân, đồng thời là một bậc thầy về môn nhào lộn bằng máy bay phản lực, đưa ra trong cuộc phỏng vấn với tờ VZGLYAD.
Chuyên gia Krasnoperov nói thêm, có thể toàn bộ 4 thành viên phi hành đoàn bị đẩy ra bất ngờ.
“Các phi công không thể phóng độc lập cùng một lúc. Vì vậy, tôi nghi ngờ rằng vấn đề trên chính xác nằm trong hệ thống cứu trợ cưỡng bức".
"Những câu chuyện như vậy thường kết thúc một cách bi thảm. Cả 4 người cùng bị bắn lên không trung rồi rơi tự do trở lại mặt đất, dù vẫn ngồi nguyên trong ghế. Dù không kịp bung vì độ cao quá thấp", vị chuyên gia nhìn nhận.
Krasnoperov cho biết thêm, bản thân ông đã tới sân bay này, “có lẽ việc bảo dưỡng định kỳ đang được thực hiện ở đó, và đây là kết quả của một hoạt động thiếu an toàn của các phi công trên chiếc chiến đấu cơ".
Hiện tại các cuộc điều tra về nguyên nhân vụ tai nạn đang được Bộ Quốc phòng Nga tiến hành, sự cố trên theo đánh giá sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới dự án nâng cấp toàn bộ phi đội oanh tạc cơ Tu-22M3 lên chuẩn Tu-22M3M.
Được biết Tu-22M là dòng máy bay ném bom mang tên lửa siêu thanh tầm xa của Liên Xô, sau này là của Nga với hình dạng đôi cánh có thể thay đổi, hay vẫn thường được gọi bằng cái tên thông dụng "cánh cụp cánh xòe".
Chiếc oanh tạc cơ này được thiết kế để tiêu diệt nhiều loại mục tiêu trên bộ và trên biển bằng tên lửa và bom dẫn đường vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày và trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào. Chúng thậm chí còn có thể mang vũ khí hạt nhân.
Trong phiên bản hiện đại hóa Tu-22M3M, ngoài việc trả lại cần tiếp dầu trên không để tăng tầm hoạt động thì máy bay còn được trang bị hệ thống điện tử hàng không thế hệ mới, đi kèm động cơ tương tự loại lắp trên oanh tạc cơ Tu-160M2.
Bạch Dương