Hệ thống giao thông đồng bộ giúp Quảng Nam bứt phá
48 năm sau ngày quê hương giải phóng, tỉnh Quảng Nam phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó của mảnh đất 'trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ' để lập nên những kỳ tích mới trong tái thiết, xây dựng quê hương.
Từ một trong những tỉnh nghèo nhất nước, giờ đây tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Nam nằm ở top 10 cả nước, thu ngân sách đứng thứ 11 cả nước. Quảng Nam tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông đường bộ theo trục Bắc – Nam, Đông - Tây cùng hệ thống sân bay và cảng biển đang dần hoàn thiện sẽ là đòn bẩy đưa kinh tế - xã hội của Quảng Nam tiếp tục bứt phá.
Những ngày cuối tháng 3, đi dọc đường ven biển Võ Chí Công dài gần 70 km từ thành phố Hội An đến sân bay Chu Lai, huyện Núi Thành, ai cũng dễ nhận ra sự thay đổi của vùng Đông Quảng Nam. Vùng cát trắng cằn cỗi năm xưa nay đã thành vùng động lực kinh tế của tỉnh Quảng Nam.
Nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, sân bay, cảng biển cùng khu vui chơi, khu nghỉ dưỡng cao cấp mọc lên... Gần 80 năm gắn bó với vùng cát xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, mảnh đất 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng, ông Võ Như Tín đọc cho chúng tôi nghe câu ca dao nói về vùng cát ngày nào của quê ông: “Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm, trưa ăn khoai lang trừ bữa!”. Nhưng bây giờ thì khác xa rồi.
“Nếu không có các dự án được đầu tư tại đây thì người dân chúng tôi quanh năm cũng chỉ biết làm nông nghiệp thô sơ, đào lên cuốc xuống trên vùng đất cát này để sống qua ngày thôi chứ không thể nào có điều kiện xây nhà cửa khang trang thế này.”- Ông Tín bảo.
Hệ thống giao thông ngày càng đồng bộ được coi là giải pháp then chốt để kinh tế Quảng Nam cất cánh. Quảng Nam tiếp tục tập trung nguồn lực nâng cấp, mở rộng các trục giao thông Đông – Tây, rút ngắn khoảng cách giữa đồng bằng và miền núi, khai thông tuyến giao thương hàng hóa từ Thái Lan, Lào, Campuchia, đưa hàng hóa xuất khẩu sang các nước.
Đầu tháng 3 vừa qua, Bộ Giao thông - Vận tải thi công Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E đoạn qua tỉnh Quảng Nam. Quốc lộ 14E dài khoảng 90 km nối đường ven biển tỉnh Quảng Nam đến Quốc lộ 1A, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và đường Hồ Chí Minh. Đây là một trong những tuyến huyết mạch kết nối 2 vùng Đông - Tây tỉnh Quảng Nam. Quốc lộ 14E sau khi được nâng cấp, mở rộng sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, góp phần thúc đẩy giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên, vùng Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan với tỉnh Quảng Nam và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.
Năm 2023 này, nhiều tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tiếp tục được mở rộng. Sau khi khởi công Quốc lộ 14E, tỉnh Quảng Nam đề xuất Chính phủ cho chủ trương đầu tư tuyến đường mới từ Khu Kinh tế cửa khẩu Quốc tế Nam Giang đến cảng biển Chu Lai. Ông Nguyễn Đỗ, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam có hơn 10 năm làm nghề vận chuyển hàng nông sản, thường xuyên đi qua Quốc lộ 14E. Ông Đỗ hy vọng tuyến đường này sau khi cải tạo, nâng cấp với quy mô đường ô tô cấp IV đồng bằng, nền đường rộng 9 mét sẽ giúp việc vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn.
Ông Đỗ phấn khởi: “Gần như ngày nào tôi cũng đi qua đường 14E này... Đường quá chật hẹp, xe tải, xe chở keo thì quá nhiều. Nói thật là mỗi lần vượt qua xe chở keo đi trước thì tôi hồi hộp lo sợ, nguy cơ tai nạn giao thông là rất cao. Ai cũng mong chờ Quốc lộ 14E sớm được mở rộng để người dân đi lại thuận lợi, kinh tế được phát triển hơn.”
Ngoài hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, tỉnh Quảng Nam còn tập trung nâng cấp, mở rộng cảng nước sâu và sân bay Chu Lai. Kế hoạch đầu tư một luồng cảng mới tại huyện Núi Thành cho tàu tải trọng 5 vạn tấn vào ra cùng hệ thống bến, kho bãi và hệ thống dịch vụ sẽ đưa hệ thống cảng biển tỉnh Quảng Nam trở thành cửa ngõ xuất khẩu hàng hóa mới của khu vực miền Trung.
Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: Khi có cảng nước sâu sẽ giải quyết được bài toán về hàng hóa ra vào, giảm đáng kể chi phí logistics, đảm bảo khả năng đón luồng hàng nông nghiệp từ Campuchia, Lào, Tây Nguyên về các khu chế biến sâu ở Quảng Nam để xuất khẩu ra các nước. Theo ông Lê Trí Thanh, việc đầu tư phát triển hệ thống cảng biển Quảng Nam luôn gắn kết với việc đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống sân bay Chu Lai và hệ thống giao thông qua hành lang Đông - Tây 2, kết nối với Lào - Thái Lan - Myamar.
“Cảng biển, sân bay và đường bộ liên vùng sẽ cùng được đầu tư đồng bộ từ nguồn vốn xã hội hóa. Từ đây qua đến Myamar chỉ khoảng 1.450km, rút ngắn được khoảng 500km đường bộ so với hành lang kinh tế Đông - Tây tính từ Myamar qua Thái Lan, qua Lào sau đó qua Đường 9, tỉnh Quảng Trị để về đến thành phố Đà Nẵng. Đây là con đường có thể liên kết trực tiếp với Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung”- Ông Lê Trí Thanh nói.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, hiện tỉnh Quảng Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển logistics dựa vào hệ thống đường bộ được đầu tư đồng bộ, cảng biển đã được quy hoạch, đầu tư bài bản kết hợp với các khu công nghiệp, khu kinh tế đang phát triển mạnh. Bộ trưởng đánh giá:
“Tỉnh Quảng Nam đã có những bước bứt phá mạnh mẽ về mọi mặt với nhiều tiềm năng, lợi thế hứa hẹn sẽ tiếp tục được khai phá. Địa phương này sẽ trở thành động lực phát triển nếu hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông tiếp tục được quan tâm, đầu tư hoàn thiện. Qua đó sẽ góp phần nâng cao năng lực vận tải, đảm bảo an toàn giao thông, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh Quảng Nam và các địa phương trong khu vực”.
Khi hệ thống giao thông được đồng bộ sẽ tạo điều kiện cho địa phương phát triển công nghiệp, du lịch và khai thác tối đa tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây. Quảng Nam- mảnh đất “Trung dũng- Kiên cường- Đi đầu diệt Mỹ” năm xưa sẽ viết tiếp bài ca mới trên hành trình đi tới./.