Hệ thống hỗ trợ lái trên ôtô không thể thay thế tài xế
Dù là xe tầm trung hay hạng sang, các công nghệ hỗ trợ lái tiên tiến vẫn chưa thể thay thế được vai trò của người lái.
Trong vài năm trở lại đây, công nghệ hỗ trợ lái xe trở nên phổ biến. Từ việc chỉ xuất hiện trên các mẫu xe hạng sang như Audi, Mercedes-Benz, BMW, Volvo… hiện hệ thống hỗ trợ người lái đã có mặt ở những mẫu xe giá rẻ hơn.
Những mẫu xe ở tầm giá 1 tỷ đồng ở Việt Nam bắt đầu được trang bị các tính năng an toàn chủ động hiện đại như tự động đi theo xe phía trước, giữ làn đường, phanh để tránh va chạm.
Vậy công nghệ hỗ trợ lái có thể hỗ trợ người lái tới đâu, trên các mẫu xe từ phổ thông tới hạng sang hiện nay?
Hệ thống hỗ trợ lái làm được gì?
Về cơ bản, hệ thống hỗ trợ lái sử dụng camera, radar hay các cảm biến để theo dõi môi trường xung quanh, gửi tín hiệu về bộ điều khiển trung tâm, qua đó đưa ra tự động các xử lý phù hợp.
Chiếc xe sẽ tự động tính toán và giảm tốc theo xe phía trước, tự động đánh lái vô lăng để tự động đi đúng làn, hay đáng quan tâm hơn là tự động phanh khẩn cấp khi cần thiết để va chạm không xảy ra, hoặc hạn chế tổn thất.
Mỗi hãng sẽ có tên gọi khác nhau về hệ thống của mình. Volvo gọi là City Safety; Mercedes-Benz gọi là CPA Plus - Collision Prevention Assist Plus; Subaru đặt tên là Eyesight; Mazda có i-Activsense; Honda Sensing là công nghệ hỗ trợ lái mà Honda phát triển.
Công nghệ “mắt thần” nào đang phổ biến trên thế giới?
Hệ thống nhận diện môi trường xung quanh rất quan trọng. Nếu không phát hiện được vật cản hay cảnh báo sai vật cản, hệ thống tự động có thể can thiệp không đúng lúc và thậm chí gây nguy hiểm hơn những xe không được trang bị.
Mỗi hãng sử dụng công nghệ "mắt thần" khác nhau. Có hãng sử dụng radar và cảm biến, có hãng sử dụng radar kết hợp camera, có hãng sử dụng hệ thống camera kép. Mỗi công nghệ có những ưu nhược điểm riêng.
Trao đổi với Zing.vn, ông Makoto Otababe - Kỹ sư trưởng thuộc Công ty Nghiên cứu và Phát triển Honda, người trực tiếp nghiên cứu công nghệ Honda Sensing - cho biết: “Honda Sensing sử dụng hệ thống tích hợp cả camera và radar để phát hiện vật thể xung quanh. Hiện tại, phần lớn các hãng xe đều sử dụng camera kết hợp radar, có thể kể đến như Toyota, Nissan, Mercedes, BMW, Audi… Đây đang là hệ thống phổ biến nhất trên thế giới”.
Với hệ thống của Honda, radar làm nhiệm vụ phát hiện vật thể và đo khoảng cách, camera sẽ nhận diện vật thể. Camera đang nhận diện được ôtô và người đi bộ và chưa nhận diện được xe đạp, xe máy hay động vật.
Công nghệ Volvo có khả năng phát hiện được cả xe máy, xe đạp, người đi bộ và động vật cỡ lớn. Subaru sử dụng 2 camera, với khả năng nhận biết vật thể lên tới 400 m, cự ly xa hơn so với công nghệ 1 camera kết hợp radar.
Chuyên gia của Honda Nhật Bản cho rằng, công nghệ camera kép chịu ảnh hưởng của thời tiết rõ ràng hơn. “Với 2 camera, hệ thống này nhận biết dễ dàng hơn vật thể phía trước là vật gì. Camera hoạt động như mắt người, và trong điều kiện thời tiết xấu, camera dễ dàng bị vô hiệu hóa hơn là công nghệ có sử dụng radar” – ông Makoto Otababe chia sẻ.
Volvo trang bị đầy đủ ở Việt Nam, Mercedes cắt với lý do kỹ thuật
Chia sẻ với Zing.vn, Volvo Việt Nam cho biết, tính năng City Safety đã là trang bị an toàn tiêu chuẩn của Volvo trên tất cả các dòng xe phân phối tại Việt Nam, bao gồm Volvo XC90, XC60, XC40, S90 và V90 Cross Country.
City Safety nhận biết được người đi bộ, xe đạp và xe máy, ngăn chặn hoàn toàn va chạm ở tốc độ dưới 45 km/h.
Hệ thống sẽ phát tín hiệu cảnh báo tới người lái, sau đó hỗ trợ lực phanh nếu người lái không đạp phanh, và cuối cùng mới tự động phanh hoàn toàn khi người lái tiếp tục không có phản ứng nào để hạn chế va chạm.
Trong khi đó, Mercedes-Benz cắt bỏ công nghệ CPA Plus trên các mẫu xe bán tại thị trường Việt Nam. Theo Mercedes Việt Nam, hệ thống CPA Plus sử dụng công nghệ radar thay cho cảm biến trước đây. Công nghệ này dùng tần số 24 Mhz, trùng với tần số của Bộ Quốc phòng nên không được cấp phép sử dụng tại Việt Nam.
Dần phổ biến trên xe phổ thông, vẫn hiếm gặp ở Việt Nam
Trên thế giới, các mẫu xe từ hạng C trở lên đã có các công nghệ hỗ trợ lái là trang bị tiêu chuẩn, đặc biệt ở thị trường Mỹ và châu Âu. Tại Nhật Bản, các mẫu xe "Kei car" giá rẻ, nhỏ gọn chạy phố với thiết kế hình hộp đặc trưng cũng được trang bị các công nghệ hỗ trợ lái tiên tiến.
Mazda3 mới ra mắt đã có i-Activsense ở phiên bản Premium giá từ 839-939 triệu đồng. Trước đó, Ford Focus cũng sở hữu phanh tự động khẩn cấp.
Gần đây nhất, bán tải Mitsubishi Triton 2020 cũng được trang bị công nghệ hỗ trợ lái. Bản Triton 4x4 AT Mivec Premium giá 865 triệu đồng có thêm hệ thống chống tăng tốc khi đạp nhầm chân ga.
Ford Ranger, Everest, Subaru Forester cũng là các mẫu xe ở tầm giá trên dưới 1 tỷ đồng sở hữu công nghệ hỗ trợ lái.
Trong khi đó, Toyota hay Honda vẫn chưa trang bị công nghệ hỗ trợ lái trên các mẫu xe của mình ở thị trường Việt Nam. Có thể trong năm 2020, các mẫu xe hạng C của Honda như Civic vay CR-V sẽ xuất hiện các phiên bản sở hữu Honda Sensing.
An toàn hơn, nhưng chỉ là hỗ trợ
Cho dù là xe hạng sang hay xe tầm trung các công nghệ hỗ trợ lái đều không hoàn hảo. Hệ thống “mắt thần” chịu tác động bởi thời tiết, ngoại cảnh, có thể gặp hỏng hóc và hoạt động không chính xác.
Chuyên gia của Honda Nhật Bản Makoto Otababe cho biết: “Camera hoạt động giống như mắt người, vì thế nó có thể bị cản trở bởi điều kiện thời tiết xấu. Lúc đó, radar sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho hệ thống camera. Radar đo khoảng cách vật thể bằng sóng, không bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, vì vậy dễ dàng phát hiện mối nguy hiểm trên đường hơn so với camera. Tuy nhiên trong trường hợp trời mưa to và sương mù tới mức camera không thể nhận biết được vật thể, hệ thống cũng sẽ chỉ cảnh báo người lái".
Đối với Honda Sensing, khi camera hoặc radar gặp trục trặc, hệ thống sẽ dừng hoạt động. “Nếu hệ thống tiếp tục hoạt động khi các cảm biến bị lỗi hay đơn giản là không hoạt động được vì thời tiết hay không nhận biết được vật cản, có thể còn nguy hiểm hơn là để cho người lái tự điều khiển chiếc xe” – ông Makoto Otababe chia sẻ.
Trên xe Volvo, hệ thống City Safety dù được đánh giá là an toàn bậc nhất trên thế giới, cũng chỉ hoạt động hiệu quả ở tốc độ dưới 70 km/h.
Công nghệ của Honda cũng chỉ hoạt động tốt ở dải tốc độ 10-60 km/h. Khi được hỏi về khả năng tránh va chạm ở tốc độ cao hơn, ông Makoto Otababe cho biết: “Với tốc độ 60-80 km/h, hệ thống bắt đầu chuyển sang cảnh báo người lái và hạn chế tổn thất nhiều hơn là tránh hoàn toàn khỏi va chạm. Với tốc độ cao hơn, hệ thống sẽ không hoạt động kịp thời để tránh va chạm”.
Đại diện Volvo chia sẻ với Zing.vn: “Tất cả chỉ là những tiện ích hỗ trợ người lái trong việc vận hành xe mỗi ngày. Công nghệ ngày càng thông minh thì trách nhiệm người lái phải ngày càng lớn. Chúng ta không thể giao hết mạng sống của mình cho công nghệ. Nên việc tập trung và giữ sự tỉnh táo khi lái xe đóng vai trò quan trọng để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người tham gia giao thông”.
Trong khi đó, chuyên gia phụ trách phát triển Honda Sensing cho biết: “Toàn bộ hệ thống này tập trung vào việc cảnh báo người lái, và giảm thiểu thương vong, hạn chế các tình huống sơ ý của con người mà thôi. Hệ thống hỗ trợ lái có tốt tới đâu thì cũng chỉ là hỗ trợ, việc lái xe vẫn thuộc về người ngồi sau vô lăng”.
Tương lai của xe tự lái đang ở phía trước, khi tất cả các mẫu xe trên đường đều sở hữu công nghệ thông minh, và các xe khi đó sẽ kết nối với nhau và tự động di chuyển, tự động tránh nhau trên đường phố. Để thực hiện được điều này có lẽ sẽ cần nhiều năm nữa. Hiện tại, người lái vẫn là quan trọng nhất.