Hệ thống kênh tiêu úng ở xã Triệu Lăng còn nhiều bất cập

Bên cạnh hiệu quả mang lại trong việc chống ngập úng cho các loại cây trồng trên cát của hệ thống kênh mương tiêu úng tại xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong thì trong những năm trở lại đây do việc nạo vét hệ thống kênh mương này với đáy kênh quá thấp so với mặt bằng đất canh tác đã ảnh hưởng đến mực nước ngầm; kết hợp với nắng nóng cục bộ kéo dài đã ảnh hưởng khá lớn đến sản xuất các loại cây trồng trên cát do thiếu nước tưới và độ ẩm trong đất quá thấp.

 Hệ thống kênh mương tiêu úng ở xã Triệu Lăng làm ảnh hưởng đến sản xuất do lòng kênh quá sâu

Hệ thống kênh mương tiêu úng ở xã Triệu Lăng làm ảnh hưởng đến sản xuất do lòng kênh quá sâu

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm mảnh vườn rộng hơn 3 sào đang khô cháy của mình, ông Nguyễn Xuân Tam ở tại Thôn 5, xã Triệu Lăng cho biết, những năm trước trên mảnh vườn này ông thường gieo trồng các loại đậu đỏ, đậu đen xanh lòng… vừa cải tạo đất, vừa có thêm thu nhập. Tuy nhiên, những năm trở lại đây do độ ẩm trong đất quá thấp, đất đai khô hạn đã ảnh hưởng khá lớn đến canh tác của gia đình ông. Mặc dù là đất cát nhưng những năm trước bình quân mỗi vụ trên mảnh vườn này ông cũng thu được từ 7 - 8 triệu đồng. Nhưng trong khoảng 2 - 3 năm trở lại đây đất rất nhanh khô, độ ẩm thấp làm cây trồng phát triển không tốt. Riêng vụ hè thu năm nay thì đành bỏ hoang do cây trồng không thể phát triển được. “Đất khô lắm, trồng cây chi xuống cũng chết cả. Ngay đến cây đậu xanh vốn là loại cây chịu hạn khá tốt mà cũng chỉ lên được 2 lá là héo khô hết. Nguyên nhân một phần là do nắng nóng gay gắt, một phần là do đất đai canh tác những năm lại đây nhanh khô, độ ẩm thấp lại không có nước tưới”, ông Tam cho hay.

Cách đó không xa, trao đổi với chúng tôi, anh Trần Viết Đức ở tại Thôn 6, xã Triệu Lăng cho biết, ngoài nghề đi biển thì gia đình anh chỉ còn biết trông chờ vào mảnh vườn rộng gần 2 sào với các loại cây trồng như ném, khoai lang, đậu xanh, đậu đỏ… Tuy nhiên, những năm gần đây do đất đai bị khô hạn nên các loại cây trồng trong vườn của anh phát triển rất khó khăn. Theo anh Đức, nếu như những năm trước trong vụ hè thu mặc dù thời tiết nắng nóng nhưng bên dưới các luống khoai, luống đậu, đất vẫn ẩm thì hiện nay rất khô, gieo trồng loại cây gì cũng đều cháy khô. Không những thế, giếng khoan của gia đình anh cũng bắt đầu có hiện tượng bị nước mặn xâm nhập. “Theo tôi có thể là do các mương thoát nước được đào quá sâu làm lượng nước trong các cồn cát bị chảy ra biển hết. Dẫn đến vào mùa khô lượng nước trong đất không còn làm cho cây trồng không có đủ độ ẩm để phát triển”, anh Đức suy luận.

Toàn xã Triệu Lăng hiện có 3 con kênh lớn dẫn nước từ vùng cát ra biển. Theo thiết kế, các con kênh này có nhiệm vụ tiêu úng cho gần 150 ha diện tích canh tác của xã trong mùa mưa lũ và giữ độ ẩm cho đất trong mùa nắng hạn. Tuy nhiên, những năm gần đây do dự án mở rộng dòng chảy và nạo vét đáy kênh quá sâu so với mặt bằng diện tích canh tác trên cát nên sau mỗi mùa mưa lũ, lượng nước trong cát đều chảy hết ra biển làm cho các loại cây trồng của nông dân như khoai lang, đậu đỗ, mướp đắng, dưa hấu… thường bị thiếu nước vào cuối vụ đông xuân, còn vụ hè thu thì hầu hết các diện tích này đều bị bỏ hoang. Không những thế, do độ ẩm trong đất quá thấp nên nhiều diện tích rừng tràm trên cát có tác dụng chống cát bay, cát lấp cũng có hiện tượng khô héo. Đây không những là nỗi lo của người dân mà còn là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương.

Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng Trần Mai Son cho biết, hiện tại không chỉ việc canh tác các loại cây trồng trên địa bàn xã bị ảnh hưởng mà việc phát triển nuôi cá nước ngọt cũng bị tác động do ao hồ khô cạn. Ngoài ra, các loại cây lâm nghiệp cũng không phát triển, thậm chí một số nơi đã có hiện tượng khô héo. Đặc biệt hơn là khi độ ẩm trong cát quá thấp thì nước biển đã thẩm thấu và xâm thực ngược vào đất liền gây nhiễm mặn nguồn nước sinh hoạt của nhân dân. Cũng theo ông Son thì không thể phủ nhận hiệu quả của hệ thống kênh mương tiêu úng mang lại bởi nhờ nó mà diện tích canh tác của xã Triệu Lăng nói riêng và các xã Triệu Vân, Triệu Trạch và Triệu Sơn nói chung không bị ngập úng vào mùa mưa lũ. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, do việc mở rộng dòng chảy và nạo vét đáy kênh quá sâu so với mặt bằng diện tích canh tác của người dân dẫn đến hiện tượng cây trồng bị ảnh hưởng do thiếu nước. “Sau mỗi mùa mưa lũ thì nước lại đổ hết ra biển và vào khoảng cuối tháng 4 là đất bắt đầu bị khô do độ ẩm quá thấp. Người dân chỉ trồng trọt được trong vụ đông xuân, còn vụ hè thu hầu hết đều bỏ hoang. Ngoài ra, năm nay nắng hạn gay gắt kéo dài nên ở các thôn bắt đầu có hiện tượng nguồn nước mạch bị nhiễm mặn, những năm trước đây tình trạng này không xảy ra”, ông Son cho biết.

Theo ông Son, việc không thể trồng các loại cây trong vụ hè thu không chỉ làm giảm giá trị thu nhập hằng năm của xã mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân. “Để giảm bớt sự ảnh hưởng của tình trạng này, trước mắt đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng hệ thống kè ngăn mặn, giữ ngọt trên các con kênh này. Có như vậy địa phương mới chủ động trong việc điều tiết nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân”, ông Son đề nghị.

Thục Quyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=141824