Hệ thống liên cấp Lômônôxốp lùi thời hạn đóng nhưng vẫn quyết thu 'phí giữ chỗ'
Trường liên cấp Lômônôxốp Tây Hà Nội sẽ lùi việc thu 'phí giữ chỗ' sang ngày 25/4 để phụ huynh chuẩn bị tài chính và lựa chọn cho con.
Liên quan đến việc Hệ thông liên cấp Lômônôxốp thu "phí giữ chỗ" với học sinh đang theo học tại Trường Tiểu học Lômônôxốp (Khu đô thị Mễ Trì Hạ, Nam Từ Liêm, Hà Nôi); Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lômônôxốp Tây Hà Nội (đường Lê Trọng Tấn, Dương Nội, Hà Đông), ngày 14/4, phụ huynh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lômônôxốp Tây Hà Nội cho biết vào ngày 11/4, nhà trường đã gửi thông báo về việc lùi hạn chót đóng tiền "phí giữ chỗ" vào ngày 25/4, thay vì ngày 15/4.
"Tư tưởng của phụ huynh học sinh vẫn muốn nhà trường có phản hồi tích cực, còn với việc lùi hạn đóng phí giữ chỗ chẳng khác nào vẫn phải đóng nguồn phí đó", phụ huynh nêu.
Một phụ huynh khác có con đang học khối tiểu học cho biết, có khối học sinh lớp 3 vẫn đang rất bức xúc về việc thu phí vô lý này.
Cụ thể, theo như nội dung thông báo tới phụ huynh, việc thu "phí giữ chỗ" ở tất cả các lớp song ngữ đã được thực hiện trong nhiều năm qua, đến hiện tại nhà trường thực hiện thu tại các lớp hệ cơ bản.
Theo đó, qua lắng nghe ý kiến từ các lớp, nhà trường lùi thời hạn đóng phí này tới hết ngày 25/4.
Lý giải về việc lùi thời hạn thu "phí giữ chỗ", thông báo nêu việc này nhằm thêm thời gian cho phụ huynh học sinh có những chuẩn bị về tài chính hoặc có thêm thời gian để lựa chọn các phương án theo mong muốn của gia đình.
Nhà trường đã có kế hoạch tuyển sinh và cần xác định được chỉ tiêu ở các khối lớp để có phương án điều chỉnh chỉ tiêu vào lớp 1.
Bên cạnh đó, thông báo cũng nêu về việc mục đích của việc thu phí giữ chỗ nhằm hạn chế học sinh chuyển trường đi đột xuất, không có thông báo trước tới trường, tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý của thầy cô Giáo giảng dạy và nhất là với tâm lý của các con.
"Thực tế các năm vừa qua, phụ huynh rút hồ sơ vào tháng 5 đến tận tháng 9 làm ảnh hưởng tới tâm lý của các con học sinh đang theo học và ảnh hưởng tới sĩ số lớp học", trích nội dung thông báo đến phụ huynh.
Đến ngày 14/4, Chủ tịch Hội đồng trường - ông Đỗ Trí Dũng đã ban hành văn bản thông báo về việc thu "phí giữ chỗ trên" cũng với nội dung tương tự thông báo trước đó tới phụ huynh.
"Trường hợp nội dung phụ huynh học sinh thực hiện chuyển trường cho con trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 9, ở những năm học trước đã ảnh hưởng tới tâm lý chọc sinh đang theo học và gây xáo trộn về sĩ số lớp. Do vậy, việc triển khai thu phí giữ chỗ để Nhà trường chủ động trong kế hoạch tuyển sinh bổ sung và đồng bộ với cách thức đã triển khai tại hệ Tiếng Anh tăng cường trong thời gian qua;
Để phụ huynh có thêm thời gian lựa chọn phương án, Nhà trường điều chỉnh thời gian nộp phí giữ chỗ từ ngày 15/4 sang ngày 25/4/2023", trích nội dung văn bản.
Trước đó, như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, vào ngày 6/4, Hệ thống giáo dục M.V. Lômônôxốp thông báo về việc triển khai thu phí giữ chỗ với tất cả các học sinh tại trường Tiểu học Lômônôxốp và trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lômônôxốp Tây Hà Nôịphí giữ chỗ năm học 2023-2024 đối với học sinh hệ cơ bản là 3 triệu đồng, đối với học sinh hệ tiếng Anh tăng cường là 5 triệu đồng.
Theo đó, phí này được đối trừ vào các khoản thu đầu năm học, không được hoàn trả hoặc chuyển nhượng trong mọi trường hợp học sinh báo chuyển trường sau ngày 15/4/2023.
Ngoài ra, văn bản cũng nêu nếu học sinh không đóng phí giữ chỗ, đồng nghĩa với việc không cho con học tại trường trong năm học tới. Nhà trường sẽ dành chỉ tiêu cho học sinh khác.
Thời gian hoàn thành việc thu phí giữ chỗ của học sinh toàn trường chậm nhất ngày 15/4/2023.
Bình luận về nội dung trên, Luật sư Trần Xuân Hóa (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội – Phó Giám đốc Công ty Luật HTC) cho rằng, khoản thu "phí giữ chỗ" nêu trên là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Cụ thể, theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện không có các quy định nào có nhắc đến thuật ngữ/định nghĩa hay cho phép thực hiện các khoản thu “phí giữ chỗ”, “phí đặt chỗ” hay “phí ghi danh”.
"Trường tư thục hoạt động trên lĩnh vực giáo dục – là ngành nghề hoạt động có điều kiện, thuộc sự điều chỉnh của Luật Giáo dục, bởi vậy, họ phải tuân thủ theo các quy định liên quan đến Luật Giáo dục, đặc biệt trong trường hợp này là các quy định liên quan đến khoản thu phí.
Các trường tư thục lập luận rằng đây là thỏa thuận dân sự chưa đủ căn cứ để đáp ứng điều kiện thực hiện trên thực tiễn. Bởi hầu hết số tiền “giữ chỗ” là do ý chí, mong muốn từ một phía, không phải được xây dựng từ việc thỏa thuận giữa các bên.
Điều này trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận và mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật.
Đối với hành vi nêu trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể xử lý vi phạm hành chính các trường hợp thu phí sai quy định theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục", Phó Giám đốc Công ty Luật HTC nói.
Đồng quan điểm với Luật sư Hóa, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng cho hay, theo Luật Phí và lệ phí năm 2015 không có mục nào tên là phí giữ chỗ, còn các quy định của ngành giáo dục cũng không quy định rõ về khoản phí này.
"Vì thế, đây có thể được coi như một hình thức đặt cọc, tuy nhiên phải có hợp đồng đặt cọc còn việc tự đặt ra và gọi khoản tiền đó là “phí giữ chỗ”, là không đúng. Đây là việc làm rất phản giáo dục, biến môi trường giáo dục như một thứ hàng hóa, mua bán.
Việc nhà trường tự đặt ra các khoản thu, áp đặt phụ huynh, học sinh là việc làm trái với quy định luật pháp. Các khoản thu trái quy định này có thể có thể bị xử phạt hành chính, buộc trả lại các khoản thu sai. Nếu nhà trường không trả lại tiền giữ chỗ, các phụ huynh có thể thực hiện các hành động pháp lý theo quy định cùa pháp luật", Luật sư Hùng phân tích.