Hệ thống liên cấp Lômônôxốp thu 'phí giữ chỗ': Có đúng quy định?
Những ngày gần đây thông tin về việc Hệ thống liên cấp Lômônôxốp thu 'phí giữ chỗ' tại trường liên cấp Tây Hà Nội (Hà Đông, Hà Nội) và trường Tiểu học Lômônôxốp (Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã khiến nhiều phụ huynh bức xúc. Vậy việc làm của hệ thống liên cấp này có đúng quy định của pháp luật?
Dân trí đưa tin, ngày 6/4, Hệ thống liên cấp Lômônôxốp Tây Hà Nội đã có văn bản về nội dung đăng ký và thu phí giữ chỗ năm học 2023-2024.
Theo đó, hệ thống sẽ triển khai thu phí giữ chỗ với tất cả các học sinh tại trường Tiểu học Lômônôxốp; trường Tiểu học và THCS Lômônôxốp Tây Hà Nội. Phụ huynh tất cả các khối (trừ khối học sinh cuối cấp - lớp 5, lớp 9) có nguyện vọng cho con học tiếp tại trường sẽ phải đóng phí giữ chỗ trước ngày 15/4/2023.
Đối với học sinh hệ cơ bản, mức phí là 3 triệu đồng, hệ tiếng Anh tăng cường là 5 triệu đồng. Sau khi vào năm học, khoản phí này sẽ được đối trừ vào các khoản thu đầu năm và không được hoàn lại với những học sinh không theo học tại trường.
Thông báo nêu rõ: "Học sinh hệ tiếng Anh tăng cường hoàn thiện phiếu cam kết học hệ tiếng Anh tăng cường cho giáo viên chủ nhiệm chậm nhất ngày 15/4/2023.
Cũng theo thông báo này, thời gian hoàn thành thu phí giữ chỗ của học sinh toàn trường chậm nhất ngày 15/4. Trường hợp phụ huynh học sinh không đóng phí giữ chỗ này được hiểu rằng cha mẹ học sinh không đăng ký cho con tiếp tục theo học tại trường trong năm học 2023-2024, nhà trường sẽ dành chỉ tiêu cho học sinh khác".
Đối với học sinh chuyển cấp sẽ được đối trừ phí giữ chỗ sang các cấp tiếp theo. Học sinh không tiếp tục theo học tại cấp tiếp theo sẽ được hoàn lại vào quyết toán cuối cấp. Học sinh có đơn chuyển trường trước ngày 15/4 hằng năm sẽ được hoàn lại vào quyết toán cuối năm học, sau thời hạn này sẽ không được hoàn lại.
Sau khi thông báo này được công bố đã thu hút sự chú ý của dư luận, nhiều phụ huynh cảm thấy bất ngờ về sự việc.
Trả lời báo chí, đại diện truyền thông nhà trường cũng đã xác nhận, việc thu phí đặt cọc giữ chỗ với tất cả học sinh (trừ học sinh cuối cấp) theo học tại hệ thống này đã được thông báo đến toàn thể phụ huynh học sinh vào ngày 6/4. Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên nhà trường áp dụng thu phí đặt cọc giữ chỗ.
Chia sẻ vấn đề này với Giáo dục Việt Nam, luật sư Trần Xuân Hóa (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội – Phó Giám đốc Công ty Luật HTC) cho biết: Các khoản thu nêu trên là không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Cụ thể, theo quy định của Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện không có các quy định nào có nhắc đến thuật ngữ/định nghĩa hay cho phép thực hiện các khoản thu “phí giữ chỗ”, “phí đặt chỗ” hay “phí ghi danh”.
Lý giải về khoản phí này, một số trường tư thục cho rằng họ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp; thực hiện các khoản thu “phí giữ chỗ”, “phí đặt chỗ” hay “phí ghi danh” là thỏa thuận dân sự, việc thu các khoản phí này là theo sự nhất trí của các phụ huynh. Tuy nhiên, theo Luật sư Hóa, cách trả lời này của các trường tư thục chưa thực sự thuyết phục và phù hợp với quy định pháp luật. Điều này trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận và mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật.
Tại Điều 32 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 có nêu về việc xử lý vi phạm quy định về thu, chi tài chính của cơ sở giáo dục:
1. Vi phạm quy định về chi không đúng quy định đối với các khoản chi thực hiện kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Thu các khoản không đúng quy định của cấp có thẩm quyền;
b) Chi không đúng quy định của cấp có thẩm quyền đối với các khoản chi không thuộc ngân sách nhà nước.
3. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu số tiền thu được do thực hiện hành vi vi phạm mà có để sung vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này trong trường hợp không thể thực hiện được biện pháp khắc phục hậu quả trả lại số tiền đã thu.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc trả lại số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức trả lại đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền đã chi sai đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.”