Hệ thống ngân hàng thương mại: Tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tỉnh tiếp tục chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng hành chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Tất cả khách hàng thuộc diện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đều được các ngân hàng thương mại hỗ trợ bằng nhiều hình thức. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại BIDV chi nhánh Bình Dương

Đồng hành cùng khách hàng

Dịch bệnh lan rộng đã ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, hệ thống NHTM tại Bình Dương đã có nhiều hành động, giải pháp thiết thực để chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp (DN). Các NHTM tiếp tục xem xét, đơn giản hóa quy trình, thủ tục giải quyết hồ sơ đề nghị cơ cấu lại thời hạn trả nợ, vay vốn, miễn giảm lãi vay, giãn nợ, giảm, miễn phí… cho khách hàng.

Điển hình như NHTM Cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPbank) có chính sách dành cho các DN xuất khẩu nông thủy sản với việc giảm lãi suất cho vay 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và 1% năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm. Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng triển khai gói giải pháp “Đồng hành cùng DN mùa dịch Covid-19”. Giải pháp này hướng đến 3 mục tiêu chính là hỗ trợ DN về mặt tài chính với ưu đãi giảm lãi suất cho vay tới 1%/năm và miễn giảm tới 20 loại phí giao dịch. Từ đầu quý II-2021, Vietinbank đã giảm lãi suất cho vay tối đa 1%/năm đối với các khoản dư nợ hiện hữu và giải ngân mới của khách hàng.

Từ khi dịch bệnh diễn ra đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đều vào cuộc mạnh mẽ, hỗ trợ hiệu quả cho khách hàng bị ảnh hưởng. Tính đến cuối tháng 6-2021, có 69 tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.085 khách hàng với giá trị dư nợ 6.011 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 4.865 khách hàng, giá trị dư nợ 7.389 tỷ đồng.

(Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Bình Dương)

Ngoài ra, các NHTM khác cũng đã lập phương án cơ cấu lại nợ cho khách hàng, hạ lãi vay đối với các nhóm khách hàng bị ảnh hưởng. Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt nam (BIDV) - chi nhánh Bình Dương cho biết, ngoài các chính sách đã và đang triển khai từ năm 2020 đến nay, từ ngày 15-7 đến 31-12-2021, BIDV tiếp tục giảm lãi vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm so với lãi suất hiện hành và tối đa 2%/năm đối với một số nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19, khách hàng là DN sản xuất hàng thiết yếu cho nền kinh tế, DN có lực lượng lao động lớn. Ngoài ra, các khách hàng suy giảm trong hoạt động kinh doanh đều được giảm lãi suất vay.

Tương tự, ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - chi nhánh Bình Dương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2021 Vietcombank Bình Dương đã triển khai 2 đợt hỗ trợ giảm lãi suất trên diện rộng đối với khách hàng DN và dân cư bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, với tổng dư nợ ưu đãi lãi suất là 10.962 tỷ đồng, tổng số tiền lãi ưu đãi áp dụng 103 tỷ đồng… Tính chung, từ năm 2020 đến nay, Vietcombank đã liên tục triển khai 7 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và thiên tai. Hiện Vietcombank đang áp dụng chính sách giảm lãi suất tiền vay giai đoạn 3 năm 2021 đối với tất cả khách hàng trong thời gian từ ngày 15-7 đến hết 31-12-2021. Ngoài các đợt giảm lãi suất, Vietcombank cũng đã thực hiện giảm phí, cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng. Đồng thời, Vietcombank đã cam kết và tài trợ gần 200 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương và ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ngoài ra, từ đầu mùa dịch bệnh đến nay hệ thống các NHTM trên địa bàn tỉnh luôn đồng hành, hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh của địa phương như tặng xe cấp cứu, trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm, kinh phí… chung tay cùng tỉnh thực hiện “mục tiêu kép” vừa kiểm soát dịch bệnh vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Chấp nhận giảm lợi nhuận

Theo ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh Bình Dương, từ khi dịch bệnh diễn ra đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đều vào cuộc mạnh mẽ, hỗ trợ hiệu quả cho khách hàng bị ảnh hưởng. Tính đến cuối tháng 6-2021, có 69 tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 1.085 khách hàng với giá trị dư nợ 6.011 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 4.865 khách hàng, giá trị dư nợ 7.389 tỷ đồng. Cho vay mới để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn lũy kế từ ngày 23-1-2021 đến cuối tháng 6-2021 là 147.750 tỷ đồng với số khách hàng còn dư nợ tại cuối kỳ báo cáo là 11.930.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các NHTM cho biết tại thời điểm cuối năm 2020 kế hoạch kinh doanh đều dự kiến sẽ tăng trưởng cao. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát khiến các ngân hàng phải thay đổi các kế hoạch hoạt động, nhất là phương án tăng trưởng an toàn, lợi nhuận khiêm tốn hơn trong năm 2021. Ông Nguyễn Thái Minh Quang cho biết tính đến ngày 30-6, huy động vốn của ngân hàng tăng 3,2% so với đầu năm, dư nợ cho vay tăng 3,1%. Trong 6 tháng đầu năm, Vietcombank Bình Dương đã ưu đãi lãi suất cho vay đối với khách hàng khoảng 100 tỷ đồng, chủ động giảm lãi suất để tiếp tục hỗ trợ đồng hành cùng DN, dân cư bị ảnh hưởng. Vì vậy, lợi nhuận của Vietcombank ước tính giảm khoảng 10% so với kế hoạch năm 2021.

Tương tự, ông Trần Ngọc Linh, cho biết BIDV chi nhánh Bình Dương đồng loạt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN, vì vậy trong 6 tháng đầu năm hệ thống BIDV đã triển khai các gói tín dụng lãi suất ưu đãi với quy mô lên đến 368.000 tỷ đồng và đã chủ động giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng.

THANH HỒNG

Nguồn Bình Dương: http://baobinhduong.vn/he-thong-ngan-hang-thuong-mai-tiep-tuc-ho-tro-chia-se-kho-khan-voi-nguoi-dan-doanh-nghiep-a253848.html