Hệ thống nhà văn hóa thôn ở Hà Nội:Khai thác thế nào cho hiệu quả?

Gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, những năm qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư, nâng cấp và xây mới nhiều nhà văn hóa ở các thôn, tổ dân phố khu vực ngoại thành nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao, hội họp của người dân.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều nhà văn hóa thôn vẫn chưa được các địa phương khai thác hết công năng để trở thành nơi xây dựng các phong trào văn hóa ở ngoại thành Hà Nội.

Đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khảo sát mô hình tủ sách cộng đồng tại Nhà văn hóa thôn Ấp Cút, xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn).

Đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khảo sát mô hình tủ sách cộng đồng tại Nhà văn hóa thôn Ấp Cút, xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn).

Nhiều mô hình mẫu

Giữa tháng 7 vừa qua, Nhà văn hóa kiểu mẫu thôn khu dân cư Thăng Long tại xã Hải Bối (huyện Đông Anh) đã ra mắt trong sự phấn khởi của nhân dân địa phương. Ông Nguyễn Hữu Thoại, Trưởng thôn khu dân cư Thăng Long cho hay, nhà văn hóa được đầu tư 9 tỷ đồng, có diện tích 1.700m2, bao gồm khu thể thao, sân tập với đủ trang thiết bị, hội trường có 150 chỗ ngồi, khuôn viên cây xanh, ghế đá và thư viện với hơn 300 đầu sách…

Giống như ở huyện Đông Anh, hoạt động xây dựng, tôn tạo nhà văn hóa thôn gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới được thực hiện bài bản tại huyện Sóc Sơn.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sóc Sơn Tống Giang Phúc cho biết, nhiều xã nông thôn mới của huyện đã hoàn thiện nhà văn hóa thôn bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa. Trong đó, nổi bật là xã Phú Minh có 4 nhà văn hóa thôn; xã Phú Cường có Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, 4 nhà văn hóa thôn; xã Mai Đình có 15 nhà văn hóa thôn; xã Quang Tiến có 7 nhà văn hóa thôn.

Chia sẻ thêm niềm vui từ việc đầu tư, xây dựng nhà văn hóa, Bí thư Chi bộ thôn Ấp Cút (xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn) Nguyễn Văn Vũ bày tỏ, từ khi có nhà văn hóa, đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao. Vào buổi chiều hằng ngày, sân vui chơi của nhà văn hóa trở thành nơi vui chơi, rèn luyện thể chất của người dân. Buổi tối, các câu lạc bộ thường xuyên đến nhà văn hóa để tập văn nghệ, tình làng nghĩa xóm vì thế thêm gắn bó.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã dành nguồn lực lớn đầu tư xây dựng mới, tu sửa, cải tạo các thiết chế văn hóa. Tính đến tháng 7-2024, thành phố có 2.339 nhà văn hóa thôn, đạt tỷ lệ 99,3% thôn, tổ dân phố ở khu vực ngoại thành có nhà văn hóa.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đánh giá, các nhà văn hóa thôn cơ bản bảo đảm chất lượng về hạ tầng, môi trường với các khu phụ trợ như: Hội trường, tủ sách cộng đồng, khu thể thao, sân chơi..., đáp ứng đời sống tinh thần, sinh hoạt của người dân địa phương.

Cần nâng cấp chất lượng hoạt động

Mặc dù được quan tâm đầu tư, song theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đến nay vẫn còn thiếu 34 nhà văn hóa thôn tại các huyện: Ba Vì, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thanh Oai, Thường Tín...

Đáng nói, ngoài một số địa phương chưa có nhà văn hóa, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànôịmới, hiện vẫn còn không ít nhà văn hóa thôn chưa đạt chuẩn do các công trình xây dựng đã lâu, diện tích nhỏ hẹp hoặc xuống cấp. Đặc biệt, việc khai thác, sử dụng nhà văn hóa thôn chưa hiệu quả, bởi không ít nơi, nhà văn hóa chỉ dành cho hội họp là chính, ít các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, giải trí...

Trước những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong xây dựng, duy trì hoạt động nhà văn hóa thôn hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám chia sẻ kinh nghiệm các mô hình hiệu quả. Theo đó các địa phương cần phân công cụ thể các thành viên Ban Chủ nhiệm, các chi hội, đoàn thể của thôn duy trì công tác vệ sinh, bảo đảm nhà văn hóa thôn luôn sáng - xanh - sạch - đẹp, hoạt động hiệu quả, phục vụ tối đa nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân. Bên cạnh đó, các địa phương cần thúc đẩy mạnh mẽ phong trào văn hóa đọc trong cộng đồng nhất là giới trẻ.

Để hoạt động của các nhà văn hóa thôn đạt hiệu quả, thực chất, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đề nghị, các địa phương phải rà soát lại việc thành lập Ban Chủ nhiệm nhà văn hóa thôn; kiểm tra các thiết chế đã được đầu tư như: Hệ thống bàn ghế, âm thanh, loa đài, sân khấu, tủ sách... để có đánh giá tổng thể nhằm bảo quản và sử dụng đúng mục đích.

Theo bà Trần Thị Vân Anh, điểm mấu chốt là các địa phương cần đổi mới nội dung, phương thức và tổ chức phong phú, đa dạng các loại hình hoạt động tại nhà văn hóa. Trong đó, cần chú trọng xây dựng các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí gắn với nhu cầu của nhân dân; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao quần chúng để thu hút đông đảo người dân tham gia sinh hoạt...

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh:
Phát huy vai trò chính quyền địa phương

Hiện nay, nhiều địa phương đã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng và phát triển nhà văn hóa thôn nhưng cũng có một số nơi chưa hoàn thành do nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo rà soát của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, nhiều nhà văn hóa thôn bảo đảm chất lượng và hạ tầng thiết yếu phục vụ hiệu quả đời sống tinh thần của người dân. Nhà văn hóa thôn không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa mà còn là nơi tuyên truyền hiệu quả nội dung các quy tắc ứng xử, hoạt động chuyển đổi số và các chính sách của địa phương. Tuy nhiên, cũng có một số nơi cơ sở hạ tầng đầu tư chưa đạt tiêu chuẩn, hoạt động tại nhà văn hóa không hiệu quả.

Trong các lần kiểm tra, rà soát, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị các địa phương cần phát huy vai trò quản lý của cán bộ thôn, xã trong việc phát triển các phong trào xây dựng nếp sống văn hóa ở địa phương; phát huy vai trò của các hội, đoàn thể như hội phụ nữ, hội nông dân, đoàn thanh niên... để cùng chung tay giữ gìn và phát huy chức năng của nhà văn hóa thôn.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi:
Phấn đấu 90% số nhà văn hóa có sân thể thao

Những năm qua, huyện Thanh Oai đã rất quan tâm tới việc xây dựng, duy trì hoạt động của nhà văn hóa các thôn. Hiện trên địa bàn huyện có 129 nhà văn hóa thôn và điểm sinh hoạt văn hóa.

Mặc dù cơ bản các nhà văn hóa đều được đầu tư bài bản, nhưng do trang thiết bị chủ yếu là huy động xã hội hóa nên có nơi làm tốt, có nơi chưa làm được.

Để tháo gỡ khó khăn, chúng tôi đang tham mưu cho UBND huyện về giải pháp để đến năm 2025 chuẩn hóa được 100% số nhà văn hóa thôn. Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 có 90% số nhà văn hóa có sân thể thao. Khi có sân thể thao, huyện sẽ triển khai lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao. Bên cạnh đó, để các nhà văn hóa thôn hoạt động hiệu quả, huyện đề nghị các thôn cần phát triển các câu lạc bộ cộng đồng như câu lạc bộ thể thao, câu lạc bộ văn nghệ... Các hoạt động phong trào từ những câu lạc bộ sẽ thúc đẩy người dân sử dụng nhà văn hóa thôn một cách hiệu quả, sáng tạo và đi vào thực chất.

Bí thư Chi bộ thôn Hoàng Dương (xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn) Lưu Văn Tĩnh:
Huy động các nguồn lực xã hội hóa

Nhà văn hóa thôn Hoàng Dương mở cửa từ sáng cho đến tối, đang phục vụ khoảng 364 hộ dân với 1.300 nhân khẩu, về cơ bản đầy đủ các khu phụ trợ như: Nhà sinh hoạt cộng đồng, tủ sách, khu thể dục, nhà vệ sinh. Tuy nhiên, hiện nay trang thiết bị cho nhà văn hóa vẫn chưa đáp ứng được với thực tế như thiết bị dụng cụ thể thao tuy có nhưng chưa đủ; thiếu khu vui chơi cho trẻ nhỏ…

Để nhà văn hóa tạo được hiệu quả hơn, chúng tôi đang nỗ lực kêu gọi các nguồn xã hội hóa trang bị thêm những hạng mục thiết yếu khác như bể bơi mini để trẻ em sinh hoạt hè hiệu quả; khu vui chơi cho trẻ nhỏ... Ngoài ra, thôn tổ chức những hoạt động như: Bóng chuyền, cầu lông, dân vũ... để người dân thường xuyên đến nhà văn hóa tập luyện và sinh hoạt. Bên cạnh đó, chúng tôi đang huy động bổ sung những đầu sách hay, hấp dẫn tại nhà văn hóa; tổ chức các hoạt động ngoại khóa theo chuyên đề cho trẻ em thường xuyên lui tới tủ sách ở nhà văn hóa để đọc và tra cứu thông tin.

Hoàng Quyên ghi

Hoàng Lân

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/he-thong-nha-van-hoa-thon-o-ha-noi-khai-thac-the-nao-cho-hieu-qua-673985.html