Hệ thống phòng không Bavar-373 Iran sẽ 'gây thảm họa' cho tiêm kích tàng hình F-35?
Kịch bản đối đầu giữa hệ thống phòng không Bavar-373 của Iran với tiêm kích tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất đang được nhắc tới.
Trong trường hợp Mỹ - Israel phối hợp tấn công Iran, tiêm kích tàng hình F-35 chắc chắn sẽ phải đối đầu hệ thống phòng không Bavar-373, bên nào sẽ giành chiến thắng là vấn đề thu hút nhiều sự quan tâm.

Quân đội Iran cho biết vừa đạt được bước đột phá lớn trong lĩnh vực phòng không, khi hệ thống Bavar-373 mới nhất của nước này đã có khả năng đánh bại tiêm kích tàng hình thế hệ năm F-35 đang được Mỹ và Israel sử dụng.

Tehran cho biết hệ thống Bavar-373 của họ có tính năng tương tự, thậm chí vượt trội so với S-400 Triumf của Nga, tổ hợp này đã vượt qua đầy đủ các bài kiểm tra, chứng minh được tính hiệu quả như thiết kế.

Báo chí Iran hân hoan cho biết tên lửa đánh chặn đã phá hủy một máy bay không người lái có diện tích phản xạ radar thấp, bất chấp việc nhiều chuyên gia cho rằng đặc điểm kỹ thuật của loại UAV nói trên khác xa tiêm kích tàng hình hiện đại.

Theo thông tin chính thức, Bavar-373 có thể phát hiện và phá hủy mục tiêu ở cự ly lên tới 200 km. Quân đội Iran khẳng định hệ thống này được thiết kế để chống lại tiêm kích công nghệ cao, bao gồm cả F-35 đang được Israel và Mỹ biên chế số lượng lớn.

Mặc dù vậy tuyên bố của Tehran làm dấy lên nghi ngờ trong giới phân tích quốc tế, bởi họ có truyền thống "nói quá" tính năng vũ khí của mình, một số luận điểm đã được đưa ra để bác bỏ.

Thứ nhất, hệ thống Bavar-373 chưa bao giờ được thử nghiệm với tiêm kích F-35 thực sự và thứ hai, ngay cả khi cho rằng vũ khí trên có khả năng đánh chặn về mặt lý thuyết, thì tiêm kích tàng hình của Mỹ - Israel vẫn được trang bị vũ khí có tầm bắn xa hơn.

Điển hình như tên lửa đạn đạo phóng từ trên không Rocks đang được Không quân Israel sử dụng có khả năng bắn trúng mục tiêu từ cự ly lên tới 300 km.

Vũ khí trên cho phép phi công lái chiến đấu cơ thực hiện cuộc tấn công tầm xa mà không cần phải đi vào phạm vi phòng không của đối phương, phủ nhận những lợi thế được cho là của hệ thống Bavar-373.

Bên cạnh đó, sự hoài nghi về tuyên bố của Iran càng tăng cao do thiếu sự xác nhận độc lập về những bài kiểm tra thành công mà quân đội nước này đã tiến hành.

Nhiều chuyên gia quân sự nhấn mạnh, việc bắn hạ máy bay không người lái, ngay cả loại hiện đại, cũng không phải là lời khẳng định về khả năng chống lại tiêm kích thế hệ thứ năm ứng dụng công nghệ tàng hình và có hệ thống tác chiến điện tử tối tân.

Vấn đề nữa cần nói đến là hệ thống S-400 mà Iran coi là đối tượng tham chiếu cũng chưa bao giờ được sử dụng để chống lại F-35 trong điều kiện chiến đấu thực tế, khiến cho việc so sánh trở nên rất khó hình dung.

Trước đó thậm chí đã xuất hiện thông tin Iran đưa một số tổ hợp Bavar-373 sang đất Syria để bảo vệ những căn cứ quân sự của mình, tuy nhiên chúng chưa lập nên bất cứ chiến công đáng kể nào.

Thậm chí còn xuất hiện một số báo cáo từ một số nguồn tin quân sự, khẳng định các tổ hợp Bavar-373 của Iran triển khai trên đất Syria đã bị phá hủy toàn bộ sau những cuộc không kích của Israel.