Ngày 26/4/1953, tổ hợp tên lửa B-200-V-300 đã lần đầu tiên bắn hạ một mục tiêu trên không. Đây là cách hệ thống phòng không huyền thoại S-25 Berkut (Đại bàng vàng) của Liên Xô ra đời.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cùng với sự ra đời của máy bay ném bom tầm cao, cực xa và bom hạt nhân, nhu cầu về vũ khí bảo vệ bầu trời ở độ cao trên 10 km tăng mạnh. Pháo phòng không truyền thống không thể đáp ứng với nhiệm vụ này.
Vào đầu những năm 1950, pháo phòng không chỉ vươn tới cự ly 6 km. Pháo tầm xa sớm được phát triển, nhưng tốc độ tăng cao của máy bay khiến chúng trở nên kém hiệu quả. Ngoài ra, cần một số lượng lớn đạn pháo cho mỗi mục tiêu.
Trước tình hình trên, ngày 9/8/1950, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã thông qua nghị quyết về việc phát triển hệ thống tên lửa phòng không nhằm bảo vệ các mục tiêu trọng yếu. Nguyên soái Joseph Stalin quyết tâm: "Chúng ta phải nhận được tên lửa phòng không trong vòng một năm".
Chính phủ Liên Xô hiểu rằng không thể phủ kín toàn bộ đất nước ngay lập tức bằng một hệ thống như vậy, cho nên ngay từ đầu họ đã quyết định chỉ bảo vệ thủ đô Moskva bằng tổ hợp phòng không mới.
Việc phát triển cơ sở của hệ thống tên lửa phòng không được giao cho phòng thiết kế (OKB-301 MAP) Semyon Lavochkin. Trong khi đó radar dẫn đường được thực hiện bởi KB-1, do các công trình sư Pavel Kuksenko và Sergo Beria dẫn đầu.
Văn phòng Lavochkin bắt đầu thiết kế hai loại tên lửa: V-300 mặt đất và G-300 trên không. Một số viện và bộ đã tham gia vào quá trình phát triển hệ thống, sau này được đặt tên là S-25 Berkut, khiến dự án có quy mô rất lớn.
Đồng thời, Lavochkin được yêu cầu tạo ra một tên lửa cơ bản (V-300) chỉ trong 8 tháng. Như sau này nhà thiết kế thừa nhận, thời điểm đó ông làm việc căng thẳng hơn nhiều so với những năm chiến tranh, điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Tuy nhiên các nhà phát triển đã không thể hoàn thành nhiệm vụ đúng ngày đã định. Ngoài ra nhà máy số 301 - nơi được giao chế tạo tên lửa thử nghiệm cũng mắc một số khiếm khuyết nghiêm trọng do quá trình thực hiện quá gấp rút.
Vào mùa hè năm 1951, các cuộc thử nghiệm đối với nguyên mẫu tên lửa mang mã số "205" bắt đầu. Những đợt phóng thành công xen kẽ với nhiều lần không thành công cho thấy sản phẩm vẫn còn rất "thô".
Từ năm 1951 đến tháng 4/1953, tổng cộng 8 đợt phóng đã diễn ra, mục đích nhằm kiểm tra hoạt động của thiết bị tên lửa, động cơ, khả năng cơ động, tầm bắn cùng với tốc độ. Cuối cùng, các kỹ sư đi đến kết luận rằng đã đến lúc phải tiến đến "trận chung kết".
Báo cáo nêu rõ: "Kết quả của các cuộc thử nghiệm là minh chứng cho hoạt động bình thường của tất cả thiết bị của tổ hợp 'B', tạo cơ sở để tiến hành giai đoạn thử nghiệm cuối cùng - bắn tiêu diệt máy bay mục tiêu".
Tới ngày 26/4/1953, tổ hợp (khi đó được gọi là B-200-V-300) đã lần đầu tiên bắn hạ một máy bay ném bom Tu-4 được sử dụng làm mục tiêu. Sự kiện này có thể gọi là lịch sử, kể từ khi Liên Xô nhận được vũ khí dẫn đường phòng không.
Vào ngày 10/8/1953, sau khi hoàn thành công việc và loại bỏ các khiếm khuyết, hệ thống phòng không tạo ra trên cơ sở B-300 chính thức được đặt tên là "Hệ thống 25", hoặc trong một phiên bản viết tắt là S-25.
Việc triển khai hệ thống dưới dạng mạng lưới phòng không được bắt đầu vào năm 1953 và hoàn thành trong năm 1958. Ở dạng cuối cùng, nó đã bao phủ một số khu vực miền Trung của Liên Xô và phục vụ trong hơn 40 năm.
Đơn vị cuối cùng trang bị hệ thống phòng không S-25 Berkut đã bị giải tán vào đầu những năm 1990, chúng được thay thế bằng các tổ hợp S-300 Favorit mạnh hơn nhiều.
Bạch Dương