Hệ thống S-500 của Nga là mối đe dọa lớn của Mỹ

Hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhất S-500 của Nga có thể khiến các hệ thống tên lửa của Mỹ như Patriot, THAAD và tiêm kích tàng hình F-35 trở nên lỗi thời.

Nga sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhất Prometheus S-500 (còn gọi 55R6M ‘‘Triumfator-M”) trong kho vũ khí vào năm 2021. Hệ thống này do nhà thầu quân sự nhà nước Nga Almaz Antey phát triển.

Theo trang tin The Eur Asian Times, S-500 là hệ thống kế nhiệm của S-400 và là sự thay thế tên lửa chống tên lửa đạn đạo A-135. S-500 có thể khiến các hệ thống tên lửa của Mỹ như Patriot, Hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và các tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm trở nên lỗi thời.

Hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Ảnh: FORBES

Hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Ảnh: FORBES

Thứ trưởng Quốc phòng Nga – ông Alexei Krivoruchko gần đây xác nhận rằng quân đội Nga sẽ nhận bàn giao hệ thống S-500 trong vòng một năm. Quân đội Nga hiện sử dụng S-400 và với sự xuất hiện của S-500, khả năng phòng thủ của Nga hứa hẹn sẽ được tăng cường.

S-500 và S-400

Đến nay, Nga vẫn giữ kín thông tin về hệ thống S-500, song vẫn có một số thông tin rò rỉ trên mạng. Theo các báo cáo, Nga bắt đầu phát triển S-500 vào năm 2009 và nguyên mẫu đầu tiên hoàn tất năm 2012.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumph tại một địa điểm ở vùng Moscow (Nga). Ảnh: Grigoriy Sisoev/RIA NOVOSTI

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 Triumph tại một địa điểm ở vùng Moscow (Nga). Ảnh: Grigoriy Sisoev/RIA NOVOSTI

Quân đội Nga tiến hành vụ thử nghiệm tên lửa đất đối không xa nhất thế giới năm 2018. Vụ thử thành công khi tên lửa đánh trúng mục tiêu cách 481 km mà theo đánh giá của Mỹ là xa hơn 80 km so với bất kỳ vụ thử nào được biết đến nay, theo đài CNBC.

S-500 là thiết kế hoàn toàn mới so với S-400 và sẽ sử dụng một hệ thống máy tính mới, radar mới và thậm chí cả tên lửa mới, vì thế hệ thống này vượt trội hơn so với “vũ khí tiền nhiệm” S-400.

S-500 hứa hẹn có tầm bắn mở rộng lên tới 600 km (cải thiện 200 km so với tầm bắn của S-400), có thể “kết liễu” 10 mục tiêu cùng một lúc. Tầm hoạt động của radar S-500 cũng vượt trội hơn so với S-400 và hệ thống này có khả năng phá hủy các mục tiêu siêu thanh và đạn đạo ở độ cao hơn 185 km.

S-500 có thời gian phản hồi là khoảng 3-4 giây, tức là hệ thống này chỉ mất khoảng 3-4 giây để triển khai bắn tiếp mục tiêu khác, trong khi S-400 mất 9-10 giây.

S-500 sử dụng hai loại tên lửa mới là 77N6-N và 77N6-N1. Đây là hai loại tên lửa đầu tiên của Nga có đầu đạn trơ, có khả năng phá hủy đầu đạn hạt nhân bằng lực va chạm.

S-400 được đưa vào biên chế trong quân đội Nga từ năm 2007, được đánh giá là một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất thế giới. S-400 thu hút sự quan tâm của các đồng minh quan trọng của Nga như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ do chi phí tiết kiệm cùng những khả năng đã được chứng minh của nó.

S-400 của Nga có giá khoảng 500 triệu USD, trong khi một khẩu đội Patriot PAC-2 của Mỹ có giá một tỉ USD, một khẩu đội THAAD có giá khoảng ba tỉ USD, theo các nguồn tin nắm rõ bảng đánh giá tình báo Mỹ.

Ấn Độ đã đặt mua S-400 từ Nga trong một thỏa thuận trị giá hơn năm tỉ USD. Việc bàn giao S-400 cho Ấn Độ dự kiến diễn ra vào năm 2021 khi New Delhi tìm cách tăng cường khả năng phòng không.

S-500 là đòn giáng mạnh vào thanh thế của Mỹ

Truyền thông Nga cùng các chuyên gia quân sự tin rằng S-500 sẽ là hệ thống phòng thủ tên lửa đầu tiên có thể nhắm mục tiêu chính xác và vô hiệu hóa vệ tinh quỹ đạo tầm thấp cũng như các máy bay tàng hình thế hệ thứ năm như F-35 của Mỹ.

Theo nhận định của The Eur Asian Times, đây là mối đe dọa lớn đối với Mỹ và các đồng minh của Mỹ vì những nước này xem F-35 là tiêm kích hiện đại nhất thế giới.

Hệ thống S-500 sẽ được gọi là Hệ thống phòng thủ không gian (SDS) vì khả năng phá hủy vệ tinh và vũ khí siêu thanh ở quỹ đạo thấp. Ảnh: DEFENSE WORLD

Hệ thống S-500 sẽ được gọi là Hệ thống phòng thủ không gian (SDS) vì khả năng phá hủy vệ tinh và vũ khí siêu thanh ở quỹ đạo thấp. Ảnh: DEFENSE WORLD

Tập đoàn Almaz Antey tin rằng so với THAAD của Mỹ, S-500 đi trước hàng thập niên.

“S-500 là đòn giáng mạnh vào thanh thế của Mỹ” – kỹ sư trưởng Pavel Sozinov của Almaz-Antey nói với truyền thông Nga.

“Hệ thống của chúng tôi vô hiệu hóa vũ khí tấn công của Mỹ và vượt qua tất cả hệ thống chống tên lửa và phòng không được quảng bá rầm rộ của Mỹ” – ông Sozinov nó thêm.

Sự xuất hiện của S-500 có thể là một động lực lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga. Nga là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới và đem lại doanh thủ đáng kể từ đó.

Nói về S-500, Moscow có một hệ thống vũ khí không chỉ không có đối thủ mà còn khiến hầu hết chiến đấu cơ hiện đại nhất như F-35 của Mỹ gặp nguy hiểm. Trả lời The Eur Asian Times, các chuyên gia tin rằng hệ thống tên lửa này có thể đẩy người mua ra xa Mỹ và giúp thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ của Nga.

Bên cạnh đó, S-500 còn có thể được sử dụng như một đòn bẩy ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia hiện ủng hộ lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.

TRI TÚC

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/quan-su/he-thong-s500-cua-nga-la-moi-de-doa-lon-cua-my-943123.html