Hệ thống tác chiến điện tử Murmansk-BN đang được Nga sử dụng một cách tích cực nhằm chống lại các quốc gia thành viên NATO ở Bắc Âu. Thông tin trên đã được tờ báo Anh The Times đăng tải.
Như đã nói, mục đích của các hệ thống tác chiến điện tử Nga được cho là nhằm vô hiệu hóa hoạt động của một loạt các trạm radar quân sự và thiết bị giám sát vô tuyến của NATO.
Do đó, Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Stere chắc chắn rằng tình hình đang xấu đi nhanh chóng và hiện tại có nguy cơ hệ thống EW Nga sẽ bao phủ lãnh thổ các nước NATO với quy mô lớn, chặn mọi tín hiệu vô tuyến.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ PolitRussia, nhà sử học quân sự, Giám đốc Bảo tàng Lực lượng Phòng không Nga, Đại tá về hưu Yuri Knutov cho biết, khí tài tác chiến điện tử của Nga thực sự có thể vô hiệu hóa không chỉ thiết bị giám sát vô tuyến của Na Uy mà còn cả hàng không.
Trong trường hợp này, chúng ta đang nói về cả máy bay quân sự và máy bay dân sự, bởi phạm vi hoạt động của tổ hợp tác chiến điện tử Murmansk-BN thực sự là rất lớn.
Ông Knutov nói: “Tôi không biết người Anh và Na Uy lấy thông tin của họ từ đâu, nhưng thành thật mà nói, có vẻ như không thể tin được. Nhưng họ hoàn toàn đúng về một điều: chúng tôi thực sự có thể vô hiệu hóa thiết bị điện tử của họ, và NATO biết rất rõ điều này".
"Nhân tiện, cách đây không lâu, họ đã phàn nàn về hoạt động của hệ thống EW của Nga dọc biên giới với Ukraine, có lẽ NATO hoàn toàn không lo lắng về công nghệ của Ukraine mà lo ngại cho chính bản thân họ".
"Xét cho cùng, cuộc tấn công điện tử của chúng ta có khả năng vô hiệu hóa các sở chỉ huy quân đội, cũng như đánh chặn thông tin từ chúng. Và tất nhiên, chúng tôi có thể 'cắt bỏ' tất cả các máy bay của họ”, chuyên gia Knutov giải thích.
Theo ông Knutov, hệ thống tác chiến điện tử Murmansk-BN của Nga từ lâu đã trở thành cơn ác mộng thực sự đối với các lực lượng NATO. Chúng nằm ở Crimea, vùng Kaliningrad và Murmansk. Rất có thể đó là đối tượng mà tờ The Times đã nói đến.
Như ông Yuri Kuntov lưu ý, Murmansk-BN được coi là một trong những tổ hợp mạnh nhất thuộc loại này trên thế giới. Tầm hoạt động của nó có thể đạt tới 3.000 km - ở khoảng cách này, hệ thống EW của Nga vẫn có thể tắt các thiết bị điện tử của đối phương.
Không chỉ có vậy, đối diện tổ hợp tác chiến điện tử này, ngay cả các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 do Mỹ sản xuất đang phục vụ trong biên chế Không quân Na Uy cũng phải bất lực.
“Nhìn chung, Murmansk-BN hoạt động khá đơn giản - nó chỉ làm nhiễu tín hiệu điều khiển từ các đài phát sóng. Nhưng điều này khá đủ để phá vỡ kết nối của máy bay với sân bay hoặc vệ tinh không gian".
"Kết quả là máy bay quân sự đối phương bị mất định hướng và Murmansk-BN có ảnh hưởng như vậy đối với bất kỳ phi cơ quân sự nào của NATO, không chỉ trên F-35”, ông Knutov lưu ý.
Tuy nhiên điều này hoàn toàn không có nghĩa là Nga đang sử dụng các tổ hợp Murmansk-BN để chống lại Na Uy hoặc bất kỳ quốc gia NATO nào khác. Vì vậy chưa thể khẳng định những tuyên bố của các nhà báo Anh, cũng như thủ tướng Na Uy.
Theo ông Knutov: “Trước tiên chúng ta hãy nghĩ xem tại sao nước Nga lại phải tấn công Na Uy? Đó là một thành viên của NATO, họ gần biên giới của chúng tôi, nhưng trong trường hợp này chúng tôi có thể tấn công bất kỳ quốc gia nào khác của Liên minh".
"Cần nhắc lại, học thuyết quân sự phòng thủ đã được áp dụng, loại trừ bất kỳ hành động gây hấn nào. Nếu ai đó tấn công chúng ta thì tất nhiên Moskva sẽ hạ tất cả máy bay của họ. Nhưng Nga sẽ không phải là người đầu tiên tấn công trong mọi trường hợp”, ông Yuri Knutov tóm tắt.
Bạch Dương