Theo tạp chí Phố Wall, Mỹ quyết định nghiên cứu khả năng điều thêm các khí tài cực mạnh trong đó có cả hệ thống đánh chặn THAAD tới khu vực Vịnh Ba Tư nhằm bảo vệ đồng minh.
Quyết định trên được đưa ra không lâu sau khi xảy ra vụ tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình nhằm vào Tập đoàn dầu khí Aramco của Saudi Arabia hồi cuối tuần qua.
Các cuộc tham vấn đang được Mỹ tiến hành nhằm áp dụng các biện pháp đối phó với tình huống tấn công vào các cơ sở dầu khí của Saudi Arabia.
Vào tối 14-9, hai cơ sở lọc dầu của Tập đoàn Aramco ở Saudi Arabia đã bốc cháy dữ dội sau khi bị tấn công bằng UAV và tên lửa hành trình. Trong khi đó, các hệ thống đánh chặn Patriot dường như đã bất lực, chính điều này buộc Mỹ phải tăng cường hệ thống THAAD tới khu vực này.
Tầm bắn xa, độ chính xác cao, cùng phương thức diệt mục tiêu độc đáo, THAAD của Mỹ được đánh giá là một trong những hệ thống đánh chặn tốt nhất thế giới.
Những tính năng tác chiến đỉnh cao khiến THAAD được giới chuyên gia phân tích quân sự đánh giá vượt qua S-400 và thậm chí cả S-500 của Nga.
Terminal High Altitude Area Defense THAAD (hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối) do tập đoàn Lockheed Martin thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo máy bay và tên lửa hành trình.
THAAD có thể phóng nhiều đạn tên lửa cùng lúc tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa.
Một hệ thống THAAD có thể mang đồng thời 32 đạn tên lửa và có thể bắn loạt 16 tên lửa để tiêu diệt các mục tiêu cùng một lúc.
Đầu tiên, nếu một tên lửa mục tiêu sẽ được phóng đi từ một vị trí nằm khá xa, radar AN/TPY-2 sẽ theo dõi và tính toán quỹ đạo bay của tên lửa mục tiêu.
Thông tin từ radar AN/TPY-2 sẽ gửi đến trung tâm điều khiển để xử lý và chuyển tiếp cho hệ thống kiểm soát bắn.
Một radar AN/TPY-2 thứ 2 sẽ làm nhiệm vụ điều khiển hỏa lực dẫn đường cho tên lửa đánh chặn mục tiêu.
Quá trình từ lúc phát hiện mục tiêu đến khi phóng tên lửa đánh chặn mất khoảng 5 phút.
THAAD có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo trong phạm vi khoảng 250-300km với độ chính xác cực cao.
Mỹ đang phát triển thêm các loại đạn mới có tầm diệt mục tiêu từ khoảng cách lên tới 550km.
Radar của hệ thống THAAD có thể phát hiện tên lửa đạn đạo ở cự ly lên tới 1.000 km.
THAAD được thiết kế vào năm 1987 và chính thức đi vào biên chế năm 2008.
Đạn tên lửa chỉ nặng 900kg và có chiều dài 6,1m, đường kính 34cm.
Giá bán hệ thống THAAD là 885,6 triệu USD, chưa tính phí lắp đặt, huấn luyện, bảo trì và hạ tầng hỗ trợ.
Ngoài Mỹ còn có Qatar đã đặt mua hệ thống phòng thủ này.
Việt Hùng