Hệ thống tên lửa phòng không S-500 là 'tin xấu' với phương Tây?
Tạp chí Focus (Đức) đánh giá hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới S-500 Prometheus của Nga 'đi trước' các hệ thống của phương Tây khoảng 15 đến 20 năm. Đánh giá trên được đưa ra trong bối cảnh quân đội Nga mới đây tuyên bố S-500 Prometheus là 'vô song'.
Hệ thống phòng thủ vũ trụ thế hệ thứ nhất
Cho đến nay, thông tin chi tiết về hệ thống S-500 Prometheus vẫn còn là bí mật. Tuy vậy, một số tin tức rò rỉ cho biết S-500 Prometheus có khả năng đánh chặn tầm xa và tầm cao, đủ sức tiêu diệt các mục tiêu từ chiến đấu cơ đến tên lửa đạn đạo cũng như tên lửa hành trình. S-500 Prometheus có tầm hoạt động tối đa lên tới 600km. Theo trang tin Defence Aviation Post (Ấn Độ), S-500 Prometheus được phát triển từ năm 2009 và nguyên mẫu đầu tiên được hoàn thiện vào năm 2012. Mục đích phát triển S-500 Prometheus nhằm thay thế hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo A-135 Amur và bổ sung thêm sức mạnh cho hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf. S-500 Prometheus được kỳ vọng sẽ hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều so với S-400 Triumf hiện nay của Nga và hệ thống Patriot Advanced Capability-3 của Mỹ. Trong một bài viết mới đây, tạp chí Focus khẳng định, ngay cả thiên thạch và các thiên thể khác cũng có thể trở thành mục tiêu của S-500 Prometheus.
Vừa qua, tờ The Moscow Times dẫn lời ông Sergei Surovikin, Tư lệnh Lực lượng Không quân vũ trụ Nga cho biết, S-500 Prometheus còn có khả năng tiêu diệt cả vũ khí siêu thanh thuộc tất cả các biến thể. Theo ông Sergei Surovikin, S-500 Prometheus không đơn thuần là một hệ thống tên lửa phòng không mà còn có thể được xem là hệ thống phòng thủ vũ trụ thế hệ thứ nhất. Vì trong tương lai, S-500 Prometheus sẽ có khả năng tiêu diệt các vệ tinh có quỹ đạo thấp cũng như các vũ khí không gian. Ông Sergei Surovikin tuyên bố, hiện trên thế giới không có một hệ thống tên lửa phòng không nào tương tự như S-500 Prometheus của Nga.
“Viên đạn bạc”
Nhận xét về S-500 Prometheus, ông Igor Korotchenko, Giám đốc Trung tâm Phân tích thương mại vũ khí thế giới-một cơ quan nghiên cứu phi chính phủ có trụ sở tại Moscow, cho rằng vì có thể tiêu diệt gần như tất cả các mục tiêu “hiện có cũng như tiềm năng” trên không, nên hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới “có thể giải quyết các vấn đề phòng thủ tên lửa chiến lược”. Bên cạnh đó, là một hệ thống di động cũng đồng nghĩa S-500 Prometheus có thể nhanh chóng được triển khai đến bất kỳ khu vực bị đe dọa nào. S-500 Prometheus cũng là một hệ thống hoàn toàn tự động khi “việc phát hiện và theo dõi mục tiêu, lựa chọn tên lửa để sử dụng, trên thực tế, không có sự tham gia của người vận hành” và “nhiệm vụ của người vận hành chỉ là xác nhận vụ phóng”. Có ý kiến cho rằng, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ chính là đối thủ của S-500 Prometheus. Tuy nhiên, theo ông Igor Korotchenko, THAAD chỉ có thể đánh chặn các mục tiêu tên lửa tầm trung, trong khi S-500 là một hệ thống đa năng.
Sputnik dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, S-500 Prometheus đã được thử nghiệm thành công vào năm ngoái và sẽ bắt đầu được quân đội nước này đưa vào sử dụng từ năm tới. Tạp chí National Interest gọi đây là “tin xấu” với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Một trong những vấn đề phương Tây hiện đang rất quan tâm là liệu S-500 Prometheus có thể tiêu diệt được chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 Lightning II của Mỹ được phát triển trong khuôn khổ một trong những chương trình vũ khí đắt đỏ nhất lịch sử quân sự thế giới hay không. “S-500 Prometheus đang được ví như là “viên đạn bạc” chống lại các chiến đấu cơ tàng hình nói chung và F-35 Lightning II nói riêng”, tạp chí National Interest nhấn mạnh. Trong khi đó, trang tin Defence Aviation Post cho rằng, chỉ riêng bản thân S-400 Triumf của Nga đã được đánh giá là một trong những hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Vì vậy, một khi được quân đội Nga đưa vào sử dụng, S-500 Prometheus có thể khiến các hệ thống phòng thủ của Mỹ như Patriot hay THAAD và các chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 như F-35 Lightning II trở thành “tối cổ”.