Hệ thống tên lửa phòng không Tor: 'Rồng lửa' uy lực của Quân đội Nga
Hiệu quả chiến đấu của hệ thống tên lửa phòng không Tor khiến cho 'Rồng lửa' được sử dụng rộng rãi trong các lực lượng vũ trang Nga.
Chuyên gia quân sự Nga Victor Murakhovsky mới đây gây tranh cãi, khi cho rằng hệ thống phòng không Pantsir-S1 của Nga có nhiều sai sót và lỗ hổng nghiêm trọng. Hệ thống này không thể ngăn chặn các cuộc tấn công trên không tại Căn cứ không quân Hmeimim ở Syria.
Theo đánh giá của ông Murakhovsky, hiệu quả của “quái thú” Pantsir-S1chỉ đạt 19%. Trong khi đó, hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2U đạt hiệu quả 80% trong chiến đấu.
Hệ thống tên lửa phòng không Tor được bắt đầu chế tạo vào năm 1975. Đây là dự án được phát triển để thay thế hệ thống phòng không Osa. “Rồng lửa” Tor được đặt trên khung gầm có bánh xe, có nhiệm vụ bảo đảm phòng không ở cấp độ sư đoàn.
Các máy bay chiến đấu khi đó bay thấp hơn so với khả năng quét địa hình của radar. Do đó, các hệ thống tên lửa phòng không phải có tính năng hoạt động nhanh hơn và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, các máy bay tân tiến lúc bấy giờ được trang bị tên lửa chiến thuật “không đối đất” lớp Walley, có đường dẫn chính xác cao, tạo ra mối đe dọa liên tục cho mặt đất. Do đó, một hệ thống phòng không mới là cần thiết để đánh trả các mối đe dọa trên.
Năm 1985, hệ thống tên lửa phòng không Tor được chính thức đưa vào biên chế quân đội Liên Xô. “Rồng lửa” Tor rất giống với hệ thống phòng không Osa, nhưng nó hoàn toàn tự động và tác chiến độc lập. Các thiết bị tên lửa, radar theo dõi và giám sát được đặt trong cùng một phương tiện.
Tương tự như S-300, hệ thống phòng không Tor có bệ phóng thẳng đứng. Có tất cả 8 tên lửa đựng trong các bệ phóng. Khi một tên lửa được bắn, nó sẽ được đẩy ra theo chiều dọc bằng một thiết bị phóng. Ngay khi rời khỏi ống phóng, đôi cánh tên lửa sẽ mở ra.
Khi tên lửa tăng lên độ cao 20 m, các máy tạo khí đặc biệt ở phần trên và phần đế nghiêng đến một góc định trước, giúp tên lửa hướng tới mục tiêu. Sau khi dẫn mục tiêu xong, động cơ tên lửa sẽ bật lên. Do đó, “Rồng lửa” Tor chỉ mất 10 giây để phản ứng kích hoạt bắn mục tiêu.
Hệ thống phòng không Tor có một radar, với dải ăng ten thụ động, cho phép điều khiển chùm tia nhanh hơn và chính xác hơn so với radar của hệ thống Osa. Tuy nhiên, các phiên bản đầu của “Rồng lửa” Tor chỉ có một kênh mục tiêu, mỗi lần bắn chỉ có thể dẫn đường một tên lửa.
Năm 1991, một phiên bản cải tiến Tor-M1 được đưa vào sử dụng. Hệ thống này có hai kênh dẫn đường, giúp cho Tor-M1 có thể đánh phá một loạt mục tiêu, bao gồm cả bom dẫn đường bằng laser. Thời gian phản ứng kích hoạt tên lửa cũng được rút ngắn hơn.
Tor-M2 được nâng cấp nhiều tính năng mới. Theo đó, hệ thống này có khả năng cùng lúc đánh chặn 4 mục tiêu. Các nguồn tin khác cho rằng, Tor-M2 có thể bắn hạ một lúc 10 mục tiêu. Tor-M2 cũng có khả năng đánh trả đạn pháo trường dã chiến, giống như tính năng của hệ thống “Vòm sắt” nổi tiếng của Israel.
Video: Hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2 tác chiến ở Quân khu phía Nam. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga).
“Rồng lửa” Tor được sử dụng rộng rãi trong quân đội Nga. Hệ thống tên lửa phòng không này sử dụng các xe khung gầm khác nhau, giúp dễ dàng tác chiến ở nhiều địa hình, kể cả vùng Cực.
Hệ thống phòng không Tor được cho là hiệu quả hơn Pantsir, vì nó được dùng cho một liên kết phân chia, mà không dựa trên đối tượng mục tiêu. Hệ thống phòng không Tor có radar mạnh hơn, cho phép phát hiện mục tiêu sớm hơn.
Các tên lửa của Tor cũng cơ động hơn Pantsir. Việc phóng thẳng đứng mang lại lợi thế cho tên lửa Tor khi bắn một số mục tiêu ở các hướng khác nhau. Bởi vì, bệ phóng không cần phải xoay trước khi phóng tên lửa.
Tuy vậy, hệ thống tên lửa phòng không Tor có nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu dễ dàng hơn so với Pantsir. Các mục tiêu là máy bay không người lái cỡ nhỏ khiến cho Tor không thể đánh trúng, trong khi Pantsir là sát thủ diệt máy bay không người lái của quân đội Nga.