Hệ thống thi hành án dân sự:Hướng về cơ sở, tăng cường phối hợp liên ngành

Những tháng đầu năm 2024, số việc, số tiền phải thi hành án đều tăng đột biến, trong khi đó, các vụ việc liên quan đến đất đai, đánh bạc, lừa đảo có số người bị hại lớn, tài sản thi hành án khó xử lý...

Trước thực tế này, ngành thi hành án đã tập trung hướng về cơ sở, tăng cường phối hợp liên ngành nhằm khắc phục khó khăn, giảm tải áp lực và nâng cao hiệu quả giải quyết công việc.

Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hoài Đức công bố Quyết định cưỡng chế thi hành án tại xã Cát Quế (huyện Hoài Đức). Ảnh: Cao Tùng

Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hoài Đức công bố Quyết định cưỡng chế thi hành án tại xã Cát Quế (huyện Hoài Đức). Ảnh: Cao Tùng

Thi hành xong gần 404.000 việc

Số liệu Bộ Tư pháp công bố đầu tháng 7 cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong gần 404.000 việc, tăng 21.711 việc (tăng 5,68% so với cùng kỳ năm 2023), với tổng giá trị thi hành án hơn 73.000 tỷ đồng (tăng 3,89%). Riêng thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đã thi hành xong 2.117 việc, với số tiền trên 11.380 tỷ đồng.

Về theo dõi thi hành án hành chính, đã thực hiện theo dõi 1.387 việc, thi hành xong 400 việc, tăng 184 bản án so với cùng kỳ năm 2023; đang tiếp tục thi hành 979 bản án...

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Nguyễn Quang Thái, đạt được những kết quả kể trên là nhờ sự nỗ lực, vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp và quyết tâm của toàn hệ thống thi hành án dân sự…

Với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, toàn hệ thống đã tập trung mọi nguồn lực rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, đặc biệt là vụ việc có giá trị lớn, thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Cùng với đó, nhiều vụ việc khó, nổi cộm về tín dụng, ngân hàng, Tổng cục Thi hành án dân sự đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước kịp thời tháo gỡ.

Song, với những vụ án lớn như vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát..., số lượng đương sự kỷ lục - lên đến hàng nghìn người, trong khi số cán bộ thi hành án ít, việc xử lý gặp nhiều khó khăn, bởi nhiều tài sản không chính chủ, bị điều chỉnh bởi nhiều quy định khác nhau. Đối với án tín dụng, thực tế thi hành án cho thấy, nhiều vấn đề phát sinh từ khâu thế chấp đến khi tòa án tuyên. Nhiều trường hợp, tài sản bán trên 20 lần vẫn không có người mua. Thêm nữa, tính pháp lý của nhiều tài sản không rõ ràng, đối tượng vi phạm thường có thủ đoạn tinh vi, nhiều cách thức.

"Điển hình như vụ Tân Hoàng Minh, có hơn 6.600 bị hại. Cán bộ thi hành án phải làm ngày, làm đêm để giải quyết khối lượng công việc rất lớn”, ông Nguyễn Quang Thái nói.

Thi hành án có trọng tâm, trọng điểm

Khắc phục những khó khăn nêu trên, từ nay đến cuối năm 2024, Tổng cục Thi hành án dân sự đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tập trung vào hai nhóm chính là án tham nhũng kinh tế và tín dụng ngân hàng. Cơ quan thi hành án dân sự các cấp tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành theo hướng sâu sát, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm.

Trong đó, Tổng cục Thi hành án dân sự tham mưu với Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự; thường xuyên phối hợp với Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các bộ, ngành, địa phương trong việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, thống nhất biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành một số vụ việc phức tạp.

Các vụ việc liên quan đến án tham nhũng, tín dụng, nhất là những vụ việc do Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, đều được nắm chắc tình hình nhằm đôn đốc, hỗ trợ kịp thời và kiểm soát, hạn chế sai phạm. Đối với vụ việc có tính chất phức tạp, vướng mắc không giải quyết được phải kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.

Tại mỗi địa phương, cơ quan thi hành án dân sự cũng cần đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cho đội ngũ công chức, người lao động; rà soát, sắp xếp, bố trí công chức phù hợp với vị trí việc làm, năng lực sở trường, tăng cường điều động, biệt phái chấp hành viên từ đơn vị có lượng án ít đến đơn vị có lượng án lớn, án trọng điểm.

Về lâu dài, Bộ Tư pháp cho rằng, nếu có cơ chế tạo điều kiện cho cơ quan thi hành án dân sự được xác minh thông tin của đương sự thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ giảm tải chi phí, thời gian và hiệu quả hơn. Vì vậy, cơ quan này đề xuất bổ sung vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (ngày 18-7-2015) của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự theo hướng chấp hành viên có thể xác minh thông tin đương sự thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia. Kết quả xác minh được sử dụng để tổ chức thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/he-thong-thi-hanh-an-dan-su-huong-ve-co-so-tang-cuong-phoi-hop-lien-nganh-672470.html